Nhiều doanh nghiệp đang có khoản tiền gửi tại ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng lấy lãi. So với hoạt động kinh doanh thì mức sinh lời từ gửi tiết kiệm cũng rất hấp dẫn.
Ảnh minh họa
Doanh nghiệp kiếm trăm tỷ từ lãi tiền gửi
Sự việc gây chú ý khi Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có tới 8.190 tỷ đồng gửi kỳ hạn tại ngân hàng lấy lãi tính đến cuối quý 2/2016.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của Sabeco, cho thấy khoản tiền 8.190 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn gốc không quá 3 tháng tại ngân hàng và hưởng lãi suất từ 5,5% - 6,2%/năm (Tuy nhiên, kỳ hạn ngắn hạn là dưới 12 tháng, bên cạnh đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng không quá 5,5%/năm).
Lãi tiền gửi mà Sabeco nhận được khoảng 54 tỷ đồng (trong mục các khoản phải thu khác - Lãi ngân hàng và lãi trái phiếu - trang 21)
Khoản tiền gửi của Sabeco tại ngân hàng ở khoản mục tương đương tiền.
Một trong những “vua tiền mặt” là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn của công ty này hơn 7.876 tỷ đồng (trang 24). Lãi tiền gửi hơn 206 tỷ đồng.
Tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ), theo báo cáo tài chính đã kiểm toán 6 tháng đầu năm 2016, các khoản tương đương tiền của công ty là 4.527 tỷ đồng, các khoản tiền gửi này có kỳ hạn gốc từ 1-3 tháng được gửi tại các ngân hàng thương mại lấy lãi từ 4,3%-5,5%/năm. Đạm Phú Mỹ thu được số tiền lãi từ khoản tiền gửi này gần 157 tỷ đồng (báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh).
Theo Tập đoàn Kido (Kido) tính đến 30/6/2016, nguồn tiền mặt của tập đoàn này gửi ngắn hạn tại ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) là 1.935 tỷ đồng, tiền lãi từ khoản này mà tập đoàn nhận được tới gần 64 tỷ đồng (báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 đã kiểm toán, trang 21).
Những khách hàng này được coi là khách hàng VIP, được săn đón, chào mời và được hưởng nhiều ưu đãi tại các ngân hàng thương mại.
Dù sao ngân hàng vẫn luôn cần tiền
Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm của nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây. Theo đó, lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng doanh nghiệp cũng “dâng” lên. Mức cao nhất cho tiền gửi tiết kiệm đối với khách hàng doanh nghiệp lên tới 7,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng tại thời điểm này tại các ngân hàng thương mại.
Biểu lãi suất tiền gửi tại một ngân hàng
Tuy nhiên, đối với khách hàng doanh nghiệp thường gửi kỳ hạn 1-3 tháng. Lãi suất trần của các kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay đang là 5,5%/năm.
Theo một chuyên gia tài chính, đối với những doanh nghiệp lớn tỷ suất sinh lời của đồng vốn kinh doanh 5%/năm cũng là “ngon” rồi, bên cạnh đó khi kinh doanh thì doanh nghiệp cũng phải chịu rủi ro thị trường, cạnh tranh, tồn kho… Do vậy, lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn trên 5%/năm là khá hấp dẫn đối với doanh nghiệp khi không phải chịu những rủi ro khi kinh doanh.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng về nguyên tắc doanh nghiệp có thể kinh doanh tiền, gửi tiền tại ngân hàng cũng là một kiểu đầu tư tài chính. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ nhăm nhăm mang tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi thì về lâu dài hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, thị phần của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp lại…
Trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng của nhiều ngân hàng đã dâng lên kịch trần 5,5%/năm (mức tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước) để hút tiền gửi lớn chuẩn bị cho tín dụng cuối năm khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 khoảng 18%, trong khi 8 tháng đầu năm tín dụng tăng 9,67%.
Tình trạng ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi vì cần tiền thì việc giảm lãi suất đầu ra cũng là khó khăn khi biên lợi nhuận của ngân hàng khoảng 3%.
Lan Anh / BizLIVE