Chừng nào các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn tụt hậu, sẽ khó có thể tăng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững và tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu và thị trường quốc tế.
Top 5 xuất khẩu thế giới nhưng chỉ là gia công
Ngành dệt may đã gia nhập sân chơi toàn cầu khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa kỳ, EU dỡ bỏ hạn ngạch và Việt Nam ký hàng loạt FTA (hiệp định thương mại tự do song phương).
Điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam gia tăng liên tục. Năm 1997 kim ngạch xuất khẩu mới chỉ ở mức 1,15 tỷ USD thì đến năm 2015 đã lên tới 27 tỷ USD, gấp 23 lần sau gần 20 năm.
Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam có gần 6.000 doanh nghiệp, trong đó 30% là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành này thu dụng khoảng 2,5 triệu lao động.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 27,02 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đứng trong Top 5 trong số các nước xuất khẩu dệt may toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhập khẩu dệt may tới 16,5 tỷ USD năm 2015.
Nguồn: VITAS.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới chỉ là gia công, may xuất khẩu ít mang lại giá trị gia tăng giống như Băngladesh, Srilanka. Trong khi các quốc gia phát triển Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản tập trung vào khâu mang lại giá trị thặng dư cao nhất (thiết kế, marketing và phân phối).
Còn nhà thầu gia công, bán buôn tập trung tại 3 quốc gia chính: HồngKông, Hàn Quốc, Đài Loan kết nối các công ty sản xuất với người tiêu dùng cuối cùng.
Vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu - Nguồn: VITAS.
Về nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, Việt Nam mới đáp ứng khoảng 1% về bông. Sợi sản xuất trên 1,2 triệu tấn/năm và 70% nhập khẩu, song lại nhập với số lượng tương tự với chất lượng cao hơn từ Trung Quốc tới 43%, Hàn Quốc 20%, Đài Loan 15%, các nước trong TPP khoảng 10%.
Do đó, thực trạng của dệt may Việt Nam là lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu, chiếm trên 80% tổng nhu cầu, trong đó từ Trung Quốc (50% tổng giá trị), Hàn Quốc (18%), Đài Loan (15%), từ các nước TPP chỉ khoảng 7%, tạo ra tình trạng “Nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm. Tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 50%. Phụ liệu cũng phải nhập tới 70%.
Nguồn: VITAS
Chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu chính của dệt may (Hoa Kỳ, EU, Nhật, Hàn Quốc,….); chủng loại hạn chế, giá thành cao, kém cạnh tranh và thời gian giao hàng cũng như chất lượng phục vụ thường chậm.
Công nghệ quá lạc hậu
Ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm nhu cầu về vốn cho đầu tư thượng nguồn như: kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất rất lớn vì trình độ công nghệ, kỹ thuật của máy móc thiết bị thấp.
Cụ thể, số doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm 15 – 20%, công nghệ trung bình chiếm 65-70%, còn lại là công nghệ thấp. Có tới 20-30% dây chuyền sản xuất công nghệ những năm 1990, công nghệ những năm 2000 chiếm tới 55-65% và chỉ 10-15% dây chuyền sản xuất thế hệ sau năm 2005.
Trình độ lao động dệt may thấp với gần 79% là lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật, trung cấp nghề gần 16%, trình độ Cao đẳng, đại học và trên đại học chỉ chiếm 4,67%.
Việt Nam cần từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm dệt may xuất khẩu và đáp ứng các quy tắc xuất xứ để hưởng thuế suất ưu đãi 0% do các Hiệp định tự do mang lại (FTA Việt Nam – EU từ vải trở đi).
Nguồn: VITAS.
Theo đó, VITAS kiến nghị Chính phủ cần xác định rõ vị trí, vai trò của công nghiệp dệt may so với các ngành khác giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035 để có chính sách phù hợp trong trung và dài hạn. Chính phủ và các địa phương không ưu đãi tràn lan mà tập trung vào thu hút công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghiệp hỗ trợ dệt may.
Thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn trong cả nước, tránh chồng chéo, nâng cấp hạ tầng, hỗ trợ vốn ODA cho các dự án xử lý nước thải…
Có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho dệt may (hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về dệt may (công cụ, thiết bị dạy học, thực hành), hỗ trợ sinh viên (giảm học phí hoặc cấp học bổng). Dành 1 phần vốn ODA để lựa chọn các SV giỏi gửi đi đào tạo tại nước ngoài học về các ngành dệt, nhuộm, thời trang.
Còn theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng đặc biệt trong việc sử dụng FDI và môi trường thương mại mới để đưa khu vực sản xuất thành động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, năng lực thấp của các ngành công nghiệp hỗ trợ là một rào cản đáng kể và còn tụt hậu so với khu vực, ví dụ như Malaysia, Thái Lan.
Do đó, Việt Nam cần có điều phối chính sách và tập trung vào công nghiệp hỗ trợ. Tránh quá chú trọng vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì các công ty vừa và lớn thường khai thác tốt hơn hỗ trợ của các chương trình liên kết. Cần hiểu được khoảng cách công nghệ và năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp cung cấp trong nước.
Theo Hoàng Anh
Bizlive