Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt không thiếu vốn để đầu tư cho công nghệ để hiện đại hóa quy trình sản xuất mà mối lo ngại chính là sự thiếu hụt nhân sự có đủ khả năng vận hành các hệ thống này.
Một số doanh nghiệp đã chi đến 10 tỉ đồng để đầu tư phần mềm cho sản xuất thông minh nhưng cũng chưa áp dụng được tại nhà máy.
Thông tin này được ghi nhận tại buổi họp báo ngày 5-10 giới thiệu VietnamWood – Triển lãm thương mại ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Nhiều máy móc thiết bị hiện đại trong ngành gỗ được giới thiệu tại triển lãm VietNamWood những năm trước. Ảnh minh họa: TL
Tại sự kiện, hầu hết các ý kiến đều cho rằng các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam cần đầu tư công nghệ hiện đại, tự động hóa dây chuyền và đầu tư phần mềm để sản xuất thông minh nhằm giảm lao động phổ thông, tăng năng suất, tiết kiệm được nguyên liệu sản xuất và đáng chú ý là nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng kịp thời đơn hàng cho nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên tại cuộc họp, theo ông Bernd Kahnert, CEO của Công ty TNHH GCC Consultancy, hiện nay việc đầu tư cho sản xuất thông minh của doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam còn rất thấp. Theo ông Bernd Kahnert, việc đầu tư nhà máy thông minh sẽ giúp hoạt động sản xuất tốt hơn, năng suất cao hơn, bộ máy nhân sự trơn tru hơn vì ai cũng tham gia vào quy trình sản xuất.
Trong khi đó, ông Lê Đức Hiếu, Giám đốc dự án của Công ty TNHH Thương mại Vĩ Đại (VETTA), doanh nghiệp cung cấp máy móc thiết bị chế biến gỗ của nhiều nước trên thế giới được khoảng 30 năm nay, cho rằng việc đầu tư máy móc thiết bị đơn lẻ hiện đại của doanh nghiệp đồ gỗ trong nước hiện không thua kém doanh nghiệp các nước trong khu vực.
“Nhiều doanh nghiệp đã chi tiền đầu tư các máy móc đơn lẻ hiện đại cho từng công đoạn để tăng năng suất, giảm lao động và tối ưu diện tích mặt bằng”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các doanh nghiệp lớn trong khu vực và so sánh với các doanh nghiệp bài bản của EU thì sự kết nối giữa các máy đơn lẻ lại với nhau để vận hành dây chuyền theo chuỗi nhà máy sản xuất thông minh của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn rất thấp.
Qua tiếp xúc nhiều doanh nghiệp, ông Hiếu khẳng định rằng đại đa số các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đã tích lũy và dư khả năng tài chính để đầu tư, mua máy móc hiện đại từ châu Âu cùng phần mềm đi kèm để sản xuất thông minh. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của hầu hết doanh nghiệp là không đủ nguồn nhân lực có chất lượng để vận hành dây chuyền nhà máy thông minh đó.
Khi cung cấp máy móc thiết bị cùng phần mềm sản xuất đi kèm cho 10 doanh nghiệp thì chỉ có 3 doanh nghiệp có thể áp dụng sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp còn lại không thể thực hiện được vì thiếu nhân sự cho khâu vận hành.
Chi phí thấp nhất cho việc đầu tư phần mềm sản xuất thông minh vào khoảng 3 tỉ đồng, các phần mềm trọn gói có thể lên đến 10 tỉ đồng. “Có doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra đến 10 tỉ đồng để mua thiết bị và phần mềm nhằm áp dụng sản xuất thông minh nhưng đến nay vẫn không ứng dụng được, do thiếu nguồn lực con người”, ông Hiếu chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân là do tình trạng trả lương chưa tương xứng tại một số doanh nghiệp, nên các đơn vị này đã không thể giữ chân nhân sự có kiến thức, kinh nghiệm và được đào tạo đúng chuyên môn. Mặt khác, đầu tư cho sản xuất thông minh đòi hỏi phải cải tạo, sắp xếp lại dây chuyền trong khi doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết và không thể dừng lại.
Do đó, tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng việc đầu tư sản xuất thông minh thường thuận lợi cho các dự án xây dựng nhà xưởng mới và doanh nghiệp phải có chiến lược trước khi triển khai dự án.
Các số liệu thống kê trong ngành sản xuất đồ gỗ cho thấy hiện có khoảng 5-10% doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ hiện đại và đầu tư nhà máy sản xuất thông minh.
Về công nghệ, một số doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu, tuy nhiên các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với các thiết bị hiện nay.