Các hoạt động nhập khẩu nhôm bất thường về Việt Nam được cho là có liên quan đến gia đình tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian.
Một trong những kho dự trữ nhôm lớn nhất thế giới, vốn vài tháng trước còn vùi dưới lớp cỏ và những tấm bạt nhựa trên sa mạc Mexico, nay đã được vận chuyển tới một bến cảng xa xôi ở miền Nam Việt Nam.
Từ đầu năm nay, 500.000 tấn nhôm đã được chở bằng xe tải ra khỏi thành phố San José Iturbide của Mexico và được chuyển đến Việt Nam, theo dữ liệu vận tải và nguồn tin của Wall Street Journal. Phần lớn số nhôm này hiện đang nằm dưới những tấm bạt đen tại một cảng biển cách TPHCM hai giờ lái xe, được canh chừng nghiêm ngặt bởi những người bảo vệ chạy xe mô tô và có trang bị dùi cui.
Các chuyến hàng lớn bất thường này đang gây nhiều sự chú ý, và làm dấy lên lo ngại về tác động tới ngành công nghiệp nhôm và giá của kim loại này. Theo Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS), Việt Nam hiện là điểm đến cho 91% kim ngạch xuất khẩu nhôm ép của Mexico, điều gần như chưa hề xảy ra trước đây.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), kho nhôm này có liên quan tới một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là Liu Zhongtian, Chủ tịch công ty nhôm khổng lồ China Zhongwang Holdings. Các lãnh đạo doanh nghiệp ngành nhôm của Mỹ từng cáo buộc ông Liu chuyển kho nhôm từ Trung Quốc đến Mexico nhằm trốn thuế của Mỹ.
Theo dữ liệu vận tải và những người theo dõi chuyến hàng này, có sự kết nối giữa các doanh nghiệp có liên quan tới gia đình ông Liu với kho nhôm đang nằm tại Việt Nam.
Nhôm ép của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế lên tới 374%, trong khi Việt Nam chỉ phải chịu thuế 5%.
Hành trình kho nhôm từ Mexico tới Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam từ hai nước Trung Quốc và Mỹ. Số nhôm này được vận chuyển thông qua những cảng biển nằm gần các doanh nghiệp có liên quan tới ông Liu, theo nguồn tin thân cận với WSJ.
Các lô hàng nhôm đang được che bạt đen tại bến cảng ở Vũng Tàu. Ảnh: Vu Trong Khanh/The Wall Street Journal
Chẳng hạn như tính đến tháng 8/2016, 65% kim ngạch xuất khẩu nhôm ép của Mỹ trong năm nay có điểm đến là Việt Nam, trong khi năm ngoái con số này chưa tới 3%, theo dữ liệu của GTIS. Dữ liệu nhập khẩu cho thấy một lượng lớn nhôm nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam trong năm nay đến từ công ty Perfectus Aluminum Inc.
Perfectus từng được sở hữu bởi con trai ông Liu, còn giờ đây được quản lý bởi Jacky Cheung, một đối tác kinh doanh của ông Liu. Jacky Cheung cũng sở hữu Aluminicaste Fundición de México, công ty Mexico quản lý kho dự trữ nhôm tại Mexico nói trên, theo nguồn tin thân cận. Con trai ông Liu lại cũng từng sở hữu Aluminicaste.
Ông Cheung cũng là một trong những chủ sở hữu của Global Vietnam Aluminum, công ty có nhà máy đặt tại Vũng Tàu, nơi đang lưu trữ một lượng lớn nhôm Mexico này.
Ông Liu cho biết, ông không có liên quan tới doanh nghiệp của con trai ông tại Mexico hay Mỹ. "Trong chuyện này, tôi không giúp đỡ nó", ông nói với WSJ trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6/2016 khi đề cập đến Aluminicaste.
WSJ đã nỗ lực liên lạc với con trai ông Liu nhưng không thành công.
Aluminicaste, vốn phủ nhận quyền sở hữu kho nhôm ở Mexico, đã từ chối đưa ra bình luận. Đồng sở hữu Global Vietnam là ông Cheung cũng không đưa ra bình luận gì.
Người phát ngôn của China Zhongwang, bà Harriet Lau, cho biết công ty không liên quan tới kho nhôm đang lưu trữ tại Việt Nam. "Về mặt tài chính, hiện không có ý nghĩa thương mại khi lưu trữ các sản phẩm nhôm", bà nói, khi việc vận chuyển và lưu trữ các sản phẩm nhôm khá tốn kém và không tạo ra lợi nhuận cho công ty này.
Ông Liu, China Zhongwang và Aluminicaste cũng phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào tới kho dự trữ nhôm đã biến mất khỏi Mexico.
Như đã biết, kể từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm ép trị giá 5 tỷ USD đã được nhập cảng Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ, theo GTIS. Điểm nhập nhôm lớn thứ hai thế giới là Hà Lan, một trung tâm kinh doanh kim loại, nhưng chỉ bằng một phần ba của Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu một lượng nhôm lớn từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ. Đồ họa: The Wall Street Journal
"Đây là một kho dự trữ khổng lồ", Eoin Dinsmore, chuyên gia phân tích tại công ty kinh doanh nhôm CRU Group tại London cho biết. Ông ước tính, kho trữ nhôm tại Việt Nam chiếm tới 14% tổng lượng hàng tồn kho nhôm trên thế giới. Nếu được bán ra thị trường, khối nhôm này sẽ tác động đáng kể đến giá nhôm, ông nhận định.
Phần lớn trong số 1,7 triệu tấn xuất sang Việt Nam đi qua cảng biển Vũng Tàu, theo ông Dinsmore, dựa theo hình ảnh vệ tinh cho thấy có một kho nhôm lớn tại đây. Vũng Tàu là cảng biển xuất nhập hàng hóa chính của Global Vietnam Aluminum, công ty Việt Nam duy nhất có thể xử lý một lượng lớn nhôm đến vậy, theo nhận định của Jorge Vazquez, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường nhôm Harbor Aluminum Intelligence LLC.
Bộ Thương mại Mỹ trong năm 2010 đã cáo buộc các sản phẩm nhôm của China Zhongwang bán phá giá tại Mỹ, và đã áp mức thuế 374% đối với các sản phẩm của công ty này. Cơ quan hồi đầu tháng 11 cũng cho biết China Zhongwang đã tìm cách "lách luật". Về phía mình, China Zhongwang không hề phản hồi gì với cuộc điều tra thương mại năm 2010. Trong tuyên bố hồi tháng trước, công ty này cho biết đã không còn bán các loại nhôm ép mà Bộ Thương mại Mỹ nhắm đến.
Một chứng cứ khác cho thấy kho nhôm tại Việt Nam có liên quan tới ông Liu. Một lượng lớn nhôm nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc mà phần lớn là từ tỉnh Liêu Ninh, nơi đặt nhà máy của China Zhongwang, theo thông tin từ Boyden Gray, cựu đại sứ Mỹ tại EU đồng thời là đồng sáng lập của Boyden Gray & Associates PLLC. Một đại diện cho ông Gray nói rằng, công ty của ông đang nghiên cứu về China Zhongwang và các hoạt động thương mại của ông Liu.
"Rõ ràng là các sản phẩm nhôm do Global Vietnam Aluminum nắm giữ được sản xuất bởi China Zhongwang", ông Gray nói và khẳng định rõ ràng mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Liu và một số công ty đã đứng sau những chuyến vận chuyển nhôm số lượng lớn tại Mỹ, Mexico và Việt Nam.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy xác nhận với Nhịp Cầu Đầu Tư, các chuyến hàng nói trên được nhập cảng Việt Nam không chỉ có nhôm mà còn bao gồm các sản phẩm đồng. Hiện, các chuyến hàng này đang được nhập về Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất và đang gặp phải một số vấn đề về pháp lý, nguồn tin cho biết.
Trường Văn
Nguồn Wall Street Journal