Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp may mặc cần tìm và khai thác thị trường mới nhằm thay thế cho các thị trường chủ lực là Mỹ và EU, vốn là những nền kinh tế chưa thoát khỏi "cơn bão" Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng điều này là không thể, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, nên giải pháp tình thế là phải giảm mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm.
Nhiều doanh nghiệp may mặc đang rất khó khăn vì Covid-19. Ảnh minh họa: Hồng Sơn.
Khó tìm thị trường thay thế
Công ty TNHH May mặc Thành Đạt là đơn vị chuyên gia công quần áo thời trang xuất đi thị trường Mỹ và châu Âu. Ông Lê Nhung, Giám đốc công ty, cho biết khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng ở hai nền kinh tế nói trên đã khiến đối tác ngừng nhập hàng, tình hình sản xuất và xuất khẩu hàng của công ty cũng bị đình trệ theo. Theo ông Nhung, công ty cũng có khách hàng ở thị trường Nhật Bản nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ.
Để giữ chân người lao động trong tình hình khó khăn này, Thành Đạt đã chuyển sang may khẩu trang vải xuất khẩu, một công việc "thời vụ" mà theo ông Nhung cũng chỉ giúp công ty giữ được khoảng 70% lực lượng lao động và doanh thu cũng không đáng kể.
Đề cập đến việc khai thác thị trường khác để thay thế thị trường Mỹ và châu Âu, ông Lê Nhung cho rằng dịch bệnh Covid-19 này ảnh hưởng toàn cầu nên khó có thể tìm thị trường khác thay thế.
Hiện công ty đang trông chờ vào các đối tác ở thị trường xuất khẩu Mỹ và châu Âu nhập hàng trở lại. Và theo ông Nhung hy vọng các đối tác nhập khẩu ở hai thị trường này sẽ nhận đơn hàng trở lại trong tháng 5 này.
Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành may mặc Việt Nam, tiếp theo là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc... Và ai cũng biết rằng hầu hết các thị trường này đều đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên sẽ dẫn đến suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.
Đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Về thị trường thay thế, theo Vitas là "không thể có, bởi dịch bệnh ảnh hưởng toàn thế giới, đến Mỹ và EU còn chao đảo thì các thị trường khác chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều".
Diễn biến dịch Covid-19 ở Mỹ và EU cho thấy còn nhiều phức tạp nên nhiều khả năng đối tác nhập khẩu ở hai thị trường này tiếp tục kéo dài thời gian tạm hoãn nhận hàng hóa. Tại Mỹ và châu Âu tốc độ dịch lây lan quá nhanh khiến nhiều ngành, trong đó có thương mại dịch vụ tê liệt, không ai mua bán, ngoài việc tranh nhau trữ hàng thực phẩm. Chờ đến khi châu Âu kiểm soát được dịch này, ngành bán lẻ khởi động lại, lúc đó mới mở lại kho nhập hàng hóa vào.
Để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu đối với các mặt hàng may mặc, nhiều công ty may mặc đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do giá trị thị trường của khẩu trang vải khá thấp, hoạt động sản xuất khẩu trang chủ yếu nhằm tạo việc làm cho công nhân hơn là tạo ra lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh.
Xác định lỗ, giảm mục tiêu kinh doanh
Doanh nghiệp may mặc xuất khẩu giảm mục tiêu 2020 do Covid-19. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Dịch Covid-19 đã càn quét, làm cho nền kinh tế nhiều nước gặp rất nhiều khó khăn, các hợp đồng đã ký của công ty may mặc đều bị hủy hoặc hoãn... Việc đơn hàng bị sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm nay đã khiến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may sụt giảm. Kết thúc quí 1 vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngành này đã báo lỗ hàng tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính quí 1-2020 của Tổng công ty May Nhà Bè (MNB), doanh thu trong quí rồi của doanh nghiệp này đạt gần 1.063 tỉ đồng, chỉ tăng tăng 4% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu nên công ty chỉ thu được hơn 174 tỉ đồng lãi gộp, giảm 14% so với cùng kỳ.
Mặc dù đã tiết giảm so với cùng kỳ nhưng chi phí bán hàng (giảm 2%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 12%) vẫn ở mức khá cao so với lợi nhuận gộp thu được. Do đó, May Nhà Bè lỗ thuần hơn 2 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 8,7 tỉ dồng.
Việc kết quả kinh doanh đi xuống được May Nhà Bè giải trình là do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh của các công ty con như May Đức Linh, May Nhà Bè - Hậu Giang, Công ty TNHH Giặt tẩy Nhà Bè lỗ so cùng kỳ và công ty liên doanh liên kết mới thành lập May Sóc Trăng thua lỗ vì tác động từ dịch.
Tuy vậy, nhờ có khoản lãi khác gần 4,3 tỉ đồng, MNB lãi ròng hơn 2,4 tỉ đồng trong quí 1-2020, giảm 36% so cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết thị trường xuất khẩu nên hầu hết các doanh nghiệp dệt may đưa ra mục tiêu khá hạn chế hoặc giảm so với năm ngoái.
Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG) gần đây đã đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 khoảng 6.300 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 150 tỉ đồng, chỉ bằng 70% doanh thu và 39% lợi nhuận thực hiện của năm 2019.
Không riêng May Việt Tiến đặt mục tiêu lợi nhuận sụt giảm mà theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, một số công ty hoạt động trong ngành này cũng đã công bố kế hoạch năm 2020 và hầu hết đều ước tính giảm lợi nhuận vì do dịch Covid-19.
Cụ thể theo Báo cáo thường niên được công bố, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt gần 3.780 tỉ đồng, tăng gần 4% so với thực hiện năm 2019; nhưng lợi nhuận trước thuế giảm gần 17%, còn 236 tỉ đồng.
Xuất khẩu dệt may trong bốn tháng đầu năm 2020 đạt 8,9 tỉ đô la, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Nhưng mức giảm này chưa phản ánh hết thực tế thiếu đơn hàng xuất khẩu của ngành này. Con số giảm mạnh phải chờ đến tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này.
Theo Vitas, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.
Theo tính toán của Vitas, trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỉ đô la, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỉ đô la và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể chỉ đạt 30 - 31 tỉ đô la.