Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) chế biến cá khô bằng hệ thống sấy sạch; sản phẩm của Công ty đang được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.
Cá lóc được người dân huyện Tam Nông nuôi theo cách truyền thống và duy trì từ những năm 1990 đến nay. Người dân vùng đất còn phèn chua quyết bám con cá lóc, dù đã trải nhiều phen lận đận. Hai năm qua, nhờ cá lóc mà nhiều người dân cải thiện được cuộc sống. Năm 2012, toàn huyện có hơn 52 hộ nuôi cá lóc với diện tích gần 60 ha, sản lượng trên 14.000 tấn. Năm 2013, diện tích nuôi tăng lên hơn 100 ha; trong đó, xã Phú Thọ diện tích nuôi 50,2 ha (chiếm hơn 50%), còn lại ở các xã Phú Thành A, Phú Hiệp, An Hòa, An Long… Đầu ra sản phẩm này là chế biến thành khô, mắm hoặc bán cá tươi đi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung và Campuchia.
Toàn huyện hiện có 11 cơ sở chế biến khô thủ công như Ngọc Xê, Út Tiền, Lệ Hoa… nhưng chỉ có một cơ sở chế biến khô bằng máy sấy đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là khô cá lóc Tứ Quý của Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp. Công ty đã sử dụng công nghệ của Mỹ gồm máy sấy, máy chiếu xạ tiệt trùng bằng tia cực tím, máy đóng gói hút chân không đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp chứng nhận là nhãn hiệu khô sạch đầu tiên.
Thu hoạch cá lóc đưa vào sản xuất.
Để làm ra được sản phẩm khô rất tốn công: ban đầu là làm cá, rửa cho sạch, xát muối, rửa nước muối để khử mùi tanh; đến làm lạnh, xả đông, ướp gia vị phù hợp để có vị thơm đặc trưng khô cá lóc, ăn không mặn không lạt. Để làm ra được 1 kg cá lóc khô, cần có khoảng 4 kg cá lóc tươi. Từ khô cá lóc, có thể chế biến thành các món ăn: gỏi xoài khô cá lóc, khô cá lóc gỏi sầu đâu, khô cá lóc chiên, khô cá lóc nướng, khô cá lóc hấp, canh chua khô cá lóc, khô cá lóc nhúng mẻ, khô cá lóc kho thịt ba chỉ…
Ông Đỗ Công Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Toàn bộ hệ thống nhà xưởng, thiết bị, máy móc, đều được nhập ngoại. Công suất của xưởng là 500 kg cá tươi cho ra khoảng 140 kg cá khô mỗi ngày. Các công đoạn làm cá, rửa sạch, khử mùi, ướp gia vị, sấy rồi đến chiếu xạ tiệt trùng, hút chân không, đóng gói trong bao bì giúp kéo dài thời gian bảo quản. Sản phẩm đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm đạt yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm và được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Hệ thống sấy sạch của Công ty.
Mở rộng thị trường
Bên cạnh xây dựng nhãn hiệu, Công ty Cổ phần Tứ Quý đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, thông qua các kênh hàng Việt về nông thôn; quảng bá tại các đại lý, cửa hàng trong tỉnh... Cùng đó, nhằm tạo thêm điều kiện sản xuất, tạo nguồn sản phẩm ổn định, chất lượng hướng tới mục tiêu xuất khẩu, Công ty sẽ mở rộng diện tích mặt bằng nhà xưởng lên khoảng 2.000 m², trang bị thêm máy móc, tạo thêm sản phẩm mới (như khô rắn, khô cá lóc bông, cá chạch, cá tra phồng…).
Phó Giám đốc Công ty cho biết thêm, sản phẩm của Công ty đã đăng ký thương hiệu, chứng nhận sản phẩm sạch… và quảng bá sản phẩm nhiều nơi, tại các siêu thị Đồng Tháp, cửa hàng đặc sản Đồng Tháp, Sài Gòn Co.opmart, siêu thị Bình An (bến xe Miền Đông), chuỗi siêu thị SaTra, chuỗi siêu thị Hapro… Ngoài ra, Công ty còn giới thiệu sản phẩm trên mạng, lập riêng trang web, đặt đại lý khu vực miền Trung và hiện nay sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến, tin dùng. Thời gian tới, Công ty sẽ liên kết thêm nhiều địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thêm nhiều mặt hàng để thương hiệu khô cá Tứ Quý ngày càng vươn xa, làm giàu cho địa phương và có sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nói chung và khách du lịch đến Tam Nông nói riêng... Đồng thời, sản phẩm Tứ Quý luôn được đảm bảo sản xuất theo quy trình khép kín, không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản, không phơi nắng.
Một số sản phẩm khô Tứ Quý.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tam Nông cho biết: Huyện đã định hướng cho nghề làm khô cá lóc Tam Nông phát triển ổn định, giúp người dân có việc làm thường xuyên, từng bước thoát nghèo. Trong đó, sản phẩm khô cá lóc Tứ Quý đã đi đầu trong việc đăng ký thương hiệu và đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông chia sẻ, trên địa bàn huyện có 11 cơ sở chế biến cá khô thủ công, các cơ sở trên đang từng bước củng cố, đưa sản phẩm này hướng đến phát triển bền vững, đảm bảo vệ sinh, an toàn. Tuy nhiên, tỉnh nên hỗ trợ cho huyện về kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chế biến, cũng như hệ thống dây chuyền công nghệ tiên tiến về sản xuất và chế biến sản phẩm khô để đạt chất lượng theo yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Về lâu dài, Tam Nông quan tâm đầu tư, củng cố phát triển bền vững ngành nghề truyền thống; đồng thời quy hoạch, bố trí sản xuất hợp lý để tạo nguồn nguyên liệu, cung ứng nguồn hàng hóa ổn định cho thị trường.