Thị trường khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam tuy mới được hình thành nhưng đã hứa hẹn tiềm năng to lớn. Số lượng các giao dịch công nghệ và thiết bị đang không ngừng tăng lên.
Phát triển thị trường khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào sản xuất
Dấu hiệu khởi sắc
Trong những năm qua, thị trường KHCN nước ta đã có nhiều khởi sắc, đáng chú ý nhất là sự hình thành và phát triển của các chợ công nghệ và thiết bị (Techmart). Sân chơi này đã có những thành công nhất định khi số lượng hợp đồng ký kết tại các kỳ Techmart ngày một tăng và giá trị các giao dịch, mua bán công nghệ cũng tăng theo từng năm. Nếu như Techmart 2005 chỉ thu hút được 40 đơn vị trong nước và khách mời quốc tế, thì đến Techmart 2015 có khoảng 600 đơn vị trong nước và quốc tế tham gia. Techmart 2015 cũng ghi nhận có 463 hợp đồng và bản ghi nhớ giao dịch mua bán công nghệ thiết bị đã được ký kết với tổng giá trị hơn 380 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ KHCN, cả nước hiện có 8 sàn giao dịch công nghệ gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình và Nghệ An. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Ghi nhận từ một số sàn giao dịch công nghệ cho thấy, tại Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng, thời gian qua, đã thu hút hơn 40.000 lượt người trao đổi, tìm kiếm các sản phẩm công nghệ, số lượng hợp đồng ký kết thành công lên đến gần 300 với tổng trị giá đạt trên 380 tỷ đồng. Tại Sàn giao dịch công nghệ TP. Đà Nẵng, đến nay đã có 5.321 doanh nghiệp (DN) Việt Nam và 153 DN nước ngoài tham gia đăng ký hoạt động và đã có trên 7.754 giao dịch công nghệ diễn ra tại đây.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các DN Việt Nam đã ngày càng đầu tư nhiều hơn cho KHCN. Nếu năm 2007, bình quân một DN chỉ đầu tư khoảng 712 tỷ đồng, thì từ năm 2010 đến nay, mức chi phí cho đổi mới công nghệ đã tăng lên gấp 3 lần, đạt trên 2 tỷ đồng mỗi năm. Chính điều này, đã thúc đẩy thị trường KHCN phát triển sôi động hơn trong thời gian qua.
Thúc đẩy phát triển
Để tạo bước đột phá về thị trường KHCN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển thị trường KHCN đến năm 2020, đặt mục tiêu đến năm 2020, tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm, dịch vụ KHCN trên thị trường hàng năm bình quân không dưới 15%. Tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ (giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật) trong tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường KHCN đạt không dưới 20% vào năm 2020.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KHCN. Trong đó, sẽ đổi mới quy trình, thủ tục đăng ký thành lập và hoạt động của tổ chức dịch vụ KHCN; thực hiện cơ chế khuyến khích hoạt động dịch vụ KHCN; rút ngắn khoảng cách phát triển của thị trường KHCN so với các thị trường khác. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với mạng lưới tổ chức dịch vụ KHCN đồng bộ đi kèm; mở rộng quy mô, tần suất, địa bàn hoạt động của các chợ công nghệ và thiết bị. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các công ty đánh giá, định giá công nghệ, xuất nhập khẩu công nghệ, tổ chức chuyển giao công nghệ; đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về dịch vụ công nghệ và thị trường KHCN...
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Văn Hiến - Tổng giám đốc Công ty Cơ điện đo lường tự động hóa DKNEC - cho rằng, nhà nước cần đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN. Trong đó, chú trọng phát triển các đội ngũ tư vấn một cách chuyên nghiệp, hình thành các trung tâm tìm kiếm và phát triển công nghệ để giúp các DN cung cấp và ứng dụng bắt tay nhau. Bên cạnh đó, ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Theo Bộ KHCN, việc phát triển thị trường KHCN sẽ tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu KHCN vào sản xuất; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị. Từ đó, góp phần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. |
Quỳnh Nga / baocongthuong.com.vn