Nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong khi một số dự án mới sẽ sớm được khởi công để hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng.
Sơ đồ hướng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi - Đồ họa: Lê Anh |
Ngày mai 17-1, tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ khởi công xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.
Dự án có tổng chiều dài là 53,3 km, trong đó tuyến chính dài 51,1 km và tuyến nối Quốc lộ 80 dài 2,1 km và có hai nút giao khác mức liên thông.
Điểm đầu của tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc địa bàn quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ (được kết nối với điểm cuối gói thầu CW3B thuộc dự án cầu Vàm Cống đang xây dựng); điểm cuối dự án tại km53+279 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (kết nối với dự án tuyến tránh Rạch Giá đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2014).
Dự án được xây dựng với quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng gồm 2 làn xe. Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư mở rộng với quy mô đường cao tốc gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Tổng mức đầu tư của dự án trong giai đoạn đầu là 6.694 tỉ đồng, gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc 200 triệu đô la Mỹ (tương đương 4.167 tỉ đồng) thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án sẽ được thi công trong thời gian là 30 tháng.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là tuyến đường chính đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đường bộ của vùng ĐBSCL, có chức năng kết nối giữa TPHCM và các tỉnh khác của Tứ giác Long Xuyên.
Trong tương lai, dự án sẽ trở thành tuyến trục dọc thứ hai giảm tải cho Quốc lộ 1A từ Củ Chi (TPHCM) theo tuyến N2 kết nối tới cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, tạo nên một tuyến đường thuận tiện từ TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đến Kiên Giang và Cà Mau.
Cùng với các dự án trong khu vực, khi dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng năng lực khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan.
Cùng với việc khởi công dự án mới, ngày 16-1, Bộ giao thông Vận tải đã thông xe cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.
Trong đó, cầu Hòa Trung bắc qua sông Gành Hào, kết nối với tuyến đường Cà Mau – Đầm Dơi để nối thông từ thành phố Cà Mau đến huyện Đầm Dơi. Cầu có tổng chiều dài khoảng 1,2 km, trong đó, phần cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 626 mét, chiều dài đường nối khoảng 660 mét. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 383 tỉ đồng, do các nhà thầu tự ứng vốn để xây dựng.
Cũng trong hôm nay 16-1, Bộ GTVT đã khánh thành đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi với tổng mức đầu tư 3.932 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi có tổng chiều dài 58,7 km, đi qua địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có 22 cây cầu. Dự án được khởi công tháng 5- 2009. Tuy nhiên, do sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nên trong thời điểm cắt giảm đầu tư công dự án bị đình hoãn từ tháng 3-2011 đến tháng 3-2014 mới thi công tiếp.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi và cầu Hòa Trung sau khi hoàn thành đã xóa thế “ốc đảo” biệt lập của huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển (Cà Mau) - điểm cuối cùng của đất nước chưa có đường ô tô đến. Đồng thời, tuyến đường giúp tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt trong tỉnh Cà Mau và miền Tây Nam Bộ.
Theo Lê Anh / Saigontimes