Sau quãng thời gian dài tạm dừng kinh doanh, giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19, các dịch vụ du lịch tại TP Hội An đã bắt đầu đón khách trở lại, khởi đầu một chặng đường phục hồi du lịch
Khách dần quay lại Hội An
Dù nhiều nhà hàng, khách sạn lớn vẫn còn đóng cửa, nhưng một số cơ sở kinh doanh nhỏ, nhất là các quán cà phê, nhà hàng… đang dần mở cửa đón khách trở lại.
Khách dần quay trở lại Hội An, nhưng chủ yếu là khách nội tỉnh và các tỉnh thành lân cận
Ông Nguyễn Hữu Xuân - Chủ quán Trà Mót (đường Trần Phú, Hội An) cho biết, hiện nay du khách từ nội tỉnh và các địa phương lân cận như Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đã bắt đầu quay trở lại Hội An.
“Mặc dù doanh thu bán ra hiện nay của cơ sở chỉ đạt khoảng 30% so với trước, nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Các quán nhỏ cũng bắt đầu kinh doanh trở lại, ai cũng hy vọng du lịch Hội An sẽ khởi sắc như xưa”, ông Xuân nói.
Các cơ sở kinh doanh nhỏ, nhất là các quán cà phê, nhà hàng… đã “rục rịch” mở cửa đón khách
Sau thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động kinh doanh dịch vụ bắt đầu rục rịch trở lại. Khu chợ đêm Nguyễn Hoàng đã trở nên đông đúc, nhiều mặt hàng phù hợp thị hiếu người Việt cũng được bày bán.
Còn trên sông Hoài, những chiếc ghe đã dập dìu chào mời khách, dù giá giảm hơn so với trước kia nhưng chủ ghe ai cũng hồ hởi bởi đã hết “thất nghiệp”.
Bà Trần Thị Năm - người chuyên lái đò phục vụ khách du lịch cho biết, dù chưa nhiều nhưng phố cổ cũng đã đông khách hơn những ngày tháng 3,4. Thời gian này, mỗi đêm bà kiếm khoảng 80-100 nghìn đồng, chủ yếu là khách trẻ tuổi từ các địa phương trong tỉnh và Đà Nẵng vào Hội An chơi.
Cần kích cầu khách nội địa, thích ứng du lịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khách quốc tế chưa quay lại
“Trước đây mỗi chuyến chở khách khoảng 100 ngàn, nhưng hiện nay giảm hơn phân nửa. Nhưng có còn hơn không, chứ mấy tháng nay nghỉ ở nhà đâu có đồng nào”, bà Năm chia sẻ.
Trên địa bàn Hội An hiện còn khoảng 700 khách nước ngoài tạm trú. Khách từ Sài Gòn, Hà Nội rất ít; chủ yếu khách nội tỉnh và các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Huế… đa phần là giới trẻ, khách đoàn hay đi theo nhóm gia đình còn hạn chế.
Chủ một cửa hàng thời trang trên đường Trần Phú cho biết, từ sau khi hết lệnh giãn cách xã hội cửa hàng đã bắt đầu mở cửa đón khách, nhưng doanh thu bình quân chỉ khoảng 10% so với trước. Chủ yếu là khách nước ngoài còn “kẹt” lại Hội An do dịch Covid-19, nhưng nhu cầu mua sắm cũng không cao.
Ông Lê Ngọc Thuận - chủ nhà hàng tại bãi biển An Bàng (Hội An) cho biết, không thể ngồi chờ có khách đông như trước mới mở cửa hoạt động trở lại, bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn rất phức tạp.
Theo ông, mở cửa nhà hàng giai đoạn này cũng sẽ giúp ông nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu, tâm lý tiêu tiền của khách trong mùa dịch, từ đó giúp điều chỉnh hoạt động kinh doanh để có hướng phát triển đúng đắn sau này.
“Hiện tại An Bàng khách đã quay trở lại, nhất là thời điểm nắng nóng như hiện nay, lượng khách đổ về bãi biển rất lớn. Chủ yếu là khách nội địa, nên tôi dự định sẽ phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với người Việt, giá cả hợp lý nhằm lôi kéo khách”- ông Thuận chia sẻ.
Tập trung khách nội địa, thích ứng với du lịch trong tình hình mới
Theo thống kê, trong tháng 4/2020 tổng lượng khách lưu trú trên địa bàn Quảng Nam chỉ đạt khoảng 3.900 lượt (giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước).
Biển An Bàng đã đông khách, các nhà hàng ven biển cũng mở cửa trở lại để “tìm hiểu” nhu cầu khách
Khách lưu trú chủ yếu là khách nội địa cộng thêm một phần khách quốc tế chưa về nước được khi ngành hàng không tạm dừng các chuyến bay quốc tế.
Thêm lợi ích cho khách, giảm giá phòng, giảm giá vé tham quan… là những gói kích cầu được doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cam kết trong buổi tọa đạm trực tuyến “Kích cầu du lịch nội địa sau đại dịch Covid-19” vừa được Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức.
2 gói kích cầu được Hiệp hội Du lịch thống nhất đề xuất gồm gói “Cảm ơn – Thank you”, dự kiến sẽ có nhiều suất sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch miễn phí 1 ngày/đêm tại Quảng Nam được các doanh nghiệp cung cấp như là lời cảm ơn, tri ân đến những y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua.
Theo đó, giai đoạn đầu, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ huy động doanh nghiệp cung cấp 300 suất miễn phí về dịch vụ lưu trú, ăn uống và vé tham quan các điểm như phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm…
Giai đoạn tiếp theo, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ xem xét phát triển, mở rộng thêm các sản phẩm tại phía nam và tây bắc của tỉnh nhằm giới thiệu đến y, bác sĩ cũng như du khách. Và gói combo giảm giá, khuyến mãi dành cho đối tượng khách du lịch đại trà.
Trước mắt, nhiều cơ sở lưu trú kể cả cao cấp tại địa phương đã tung ra một số gói khuyến mãi hết cỡ để kích cầu khách nội địa trở lại với các voucher nghỉ dưỡng mức giá chỉ bằng 40 - 50% so với thời điểm trước dịch và có thể áp dụng đến hết năm 2020.
Hưởng ứng kế hoạch của Bộ VH-TT&DL về chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, từ ngày 1/6-31/12, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn triển khai nhiều gói kích cầu, khuyến mãi đối với khách khi tham quan du lịch tới Mỹ Sơn.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tránh lặp lại và phù hợp nhu cầu khách hàng, tạo được tính đặc trưng, riêng biệt trong sản phẩm địa phương cũng cần được quan tâm….
Ông Nguyễn Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhận định, chính quyền và ngành du lịch cần hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiêp bằng cách tham gia gói kích cầu để tạo sự đồng bộ, qua đó giúp gói dịch vụ phong phú hơn.
“Hiệp hội cũng đã đề xuất Hội An xem xét vấn đề giảm vé hoặc miễn vé nhưng được trả lời là khó vì vướng các thủ tục... Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay các điểm tham quan nên cố gắng tham gia với cộng đồng doanh nghiệp cho đồng bộ và tốt hơn cho gói kích cầu chứ một mình doanh nghiệp dù có chủ động bao nhiêu nhưng ngành du lịch và các địa phương không mặn mà thì cũng khó thành công được”, ông Thanh nói.