Các chuyên gia về thương mại điện tử (TMĐT) cho rằng, khởi nghiệp với TMĐT nên bắt đầu từ những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, giá bán phù hợp với số đông để tìm chỗ đứng cho riêng mình.
Lựa chọn an toàn
Ông Hà Anh Tuấn - CEO của Vinalink - chia sẻ, khởi nghiệp bằng TMĐT được xem là lựa chọn an toàn bởi nếu thất bại cũng không mất nhiều chi phí đầu tư, hoạt động như các hình thức kinh doanh truyền thống khác.
"Có rất nhiều cách để khởi nghiệp. Bắt đầu từ những sản phẩm phục vụ các nhu cầu thiết yếu, sản phẩm mang tính đột phá sáng tạo. Thậm chí có thể đáp ứng nhu cầu không chỉ của thị trường Việt Nam mà còn ở nước ngoài" - ông Hà Anh Tuấn nói.
Ông Hà Anh Tuấn cũng bày tỏ, trong quá trình đào tạo hơn 10.000 doanh nghiệp/năm thì tỷ lệ thất bại khi kinh doanh TMĐT gần như bằng không. Nghiên cứu nội bộ của công ty cho thấy, hiện có hơn 400.000 người đang làm TMĐT trên Facebook, trong đó bao gồm hàng trăm nghìn doanh nghiệp lớn. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của TMĐT thậm chí lên đến hàng trăm phần trăm, chứ không chỉ vài chục phần trăm. Điều này cho thấy, nếu như khi khởi nghiệp bằng TMĐT tức là chúng ta đang đi vào một quỹ đạo đúng xu hướng (trend) và tỷ lệ thất bại là rất thấp.
Hành trình khởi nghiệp với TMĐT không bao giờ dễ dàng
Đón làn sóng TMĐT, chị Nguyễn Thị Thanh quyết định thành lập Buyoo.vn vào tháng 7/2017. Đây là website mua sắm với phương thức thanh toán trả góp trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng và đáng tin cậy. Buyoo.vn hiện là đối tác chính thức với các thương hiệu công nghệ nổi tiếng như Xiaomi, Oppo, Vivo, Samsung… Từ đầu năm nay, Buyoo.vn bắt đầu triển khai mô hình "Mua chung- trả góp" đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam bước đầu đã đem đến sự thành công.
Đại diện của Tiki nhận định, lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh so với 5 năm trước và thể hiện rõ nét nhất sự chuyển mình vào năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc các startup cần nắm bắt hướng phát triển tiềm năng trong tương lai của hệ sinh thái TMĐT để chọn vị trí phù hợp. Đại diện của Tiki cũng cho rằng, các mảng tiềm năng cho hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp gồm kho vận, sáng tạo nội dung, phân tích giá, hệ thống quảng cáo, tiếp thị kỹ thuật số, quan hệ khách hàng…
Thành công là hành trình nỗ lực
Chia sẻ về câu chuyển khởi nghiệp, anh Trần Đức Tâm - Trưởng đại diện Z.com tại Việt Nam (thương hiệu toàn cầu của Tập đoàn GMO Internet) – cho rằng, đối với lĩnh vực kinh doanh nói riêng và kinh doanh TMĐT nói chung, có nhiều con đường và nhiều cơ hội để lựa chọn nhưng hãy kiên định theo đuổi mơ ước mình đưa ra.
Tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Phi Vĩnh Quý - nhà sáng lập Offers.vn – chia sẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp với TMĐT thường gặp khó khăn về kỹ thuật làm web, ứng dụng, online marketing. Tuy nhiên, trong thực tế phải chấp nhận những vấn đề mình không biết, phải lao vào học hỏi, tìm nguồn lực từ bên ngoài. Đặc biệt lưu ý, phải tư duy làm ra sản phẩm có tiềm năng thị trường, bởi nếu tung ra sản phẩm theo ý thích mà không có người dùng, không có thị trường thì sẽ thất bại hoàn toàn. "Một kinh nghiệm hữu ích là nên tìm hiểu thị trường TMĐT thế giới như Nhật Bản, Singapore, Mỹ, châu Âu… họ đang kinh doanh gì, cân nhắc xem có làm được tại Việt Nam hay không. Theo hướng như vậy, đôi khi còn dễ bắt đầu khởi nghiệp hơn là tự ngồi nghĩ" - ông Phi Vĩnh Quý lưu ý.
Đồng quan điểm trên, ông Hà Anh Tuấn khẳng định, để trang bị kiến thức, các doanh nghiệp có thể tham gia vào cộng đồng TMĐT như Amazon, Shopee, Facebook, Lazada… để lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm, trang bị kỹ năng bán hàng, marketing. Phải đặt ra mục tiêu trong 1-2 năm, nắm được những kiến thức về kinh doanh online.
Mới đây nhất - trong tháng 3 vừa qua, Amazon – Tập đoàn TMĐT hàng đầu của Mỹ - đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam. Do vậy, việc ứng dụng TMĐT đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực, từ đầu tư công nghệ đến chất lượng nguồn nhân lực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với thói quen tiêu dùng hiện nay, người tiêu dùng sẽ xem xét sản phẩm online trước khi quyết định đến xem và mua hàng. Kinh doanh trên nền tảng TMĐT đang bước sang một kỷ nguyên mới với nhiều thời cơ và thách thức mới. Nếu doanh nghiệp hay cá nhân không thích nghi có thể bị loại khỏi "cuộc chơi" ngay trên sân nhà.
Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam còn nhỏ nhưng nếu xét về tăng trưởng, Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện tốc độ tăng trưởng lĩnh vực TMĐT của Việt Nam khoảng 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản.
Theo Báo Công Thương Điện Tử