Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh phục vụ thị trường trong mùa cao điểm cuối năm, cũng như nhu cầu về vốn tiêu dùng của cá nhân, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất, với mục đích khơi thông dòng chảy tín dụng, đem nguồn vốn giá rẻ đến tay người cần vốn.
Giải ngân hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn ưu đãi
Nỗ lực trên không chỉ đến từ các ngân hàng thương mại đơn lẻ, mà cơ quan đầu ngành ngân hàng cũng đã có chủ trương. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, NHNN đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Tính đến hết quý II/2016, đã có trên 540 hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 50.000 doanh nghiệp và hơn 120.000 đối tượng khác (hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình) trong việc vay vốn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ, cho vay mới... Theo đó, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014 (217.000 tỷ đồng). Lãi suất cho vay mới phổ biến trong khoảng 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và dao động từ 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, giảm khoảng 1%/năm so với trước đây; gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ…, với dư nợ khoảng 80.000 tỷ đồng.
Với thủ tục nhanh gọn, đơn giản, HDBank giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn ưu đãi.
Quý IV hàng năm cũng là giai đoạn để các ngân hàng tranh thủ đẩy vốn vào nền kinh tế, tăng trưởng dư nợ tín dụng. Đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng thương mại tăng cường đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi vay cho khách hàng, trong đó phải kể đến HDBank. Từ nay đến ngày 31/12/2016, khách hàng trên cả nước sẽ có thêm giải pháp tài chính hiệu quả, đảm bảo cho những kế hoạch của mình thêm vững chắc từ gói “Vay tiền phát lộc” với tổng hạn mức 6.000 tỷ đồng tại HDBank. Theo đó, với số tiền vay từ 1 tỷ đồng trở lên, tùy thời hạn và mục đích vay vốn, HDBank áp dụng lãi suất chỉ 7%/năm trong 3 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 6 tháng đầu, 8,5%/năm trong 9 tháng đầu, 10,5%/năm trong 12 tháng đầu. Chương trình ưu đãi trên của HDBank dành cho các nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, cho vay bất động sản và mua xe ô tô của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ trên cả nước.
Với thủ tục vay vốn nhanh gọn, đơn giản, đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp và tổng vốn cho vay lớn, khách hàng trên cả nước đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ thực hiện các kế hoạch của mình. Tín dụng ưu đãi đã được HDBank triển khai từ nhiều năm nay với nguồn vốn lớn hoặc không hạn chế, chính sách vay vốn phù hợp, tài sản đảm bảo linh hoạt, lãi suất ưu đãi đã đồng hành cùng khách hàng trên cả nước trong những dự án kinh doanh và mua sắm, mang lại nhiều may mắn, thành công cho khách hàng. Đặc biệt, đối với khách hàng là cá nhân, tiểu thương có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và không tham gia các chương trình ưu đãi, HDBank có thể giảm lãi suất cho vay đến 2%/năm theo biểu lãi suất cho vay thông thường để phục vụ nhu cầu của khách.
Cơ hội vay vốn giá rẻ cuối năm
Mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao, là thời điểm tốt để các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng lãi vay ưu đãi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng. Quả thực, không chỉ HDBank, mà nhiều nhà băng khác cũng đã vào cuộc, “tung” các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cuối năm. Việc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất được xem là điều kiện tốt cho khách hàng, khi nhu cầu vốn trong dịp cuối năm được dự báo tăng cao hơn. Đây được xem là nỗ lực của các ngân hàng trước bối cảnh lãi suất cho vay dự báo khó giảm.
Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng rất muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, trong tình trạng chi phí vốn tăng lên, nếu họ không tăng lãi suất cho vay lên thì có nghĩa là biên độ lợi nhuận (NIM) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Vì hiện tại NIM của các ngân hàng đã rất thấp, chỉ khoảng 2%, nếu giảm thêm lãi suất, các ngân hàng sẽ khó tránh bị lỗ. Vì vậy, việc các ngân hàng đang nỗ lực đưa ra thị trường gói tín dụng ưu đãi lãi suất được xem là cơ hội cho những người cần vốn trong mùa kinh doanh cao điểm.
Mặc dù lãi suất của Việt Nam vẫn cao so với các nước trong khu vực, nhưng cũng cần nhìn nhận, so với lịch sử đỉnh cao nhất, hiện lãi suất đã trở về thời kỳ năm 2006 - 2007, mặt bằng lãi suất đã ở mức hợp lý, giảm gần 2/3 so với thời kỳ cao nhất, đồng thời, nếu trừ lạm phát thì lãi suất hiện không còn lớn. Theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Đây là một nhiệm vụ mà trước đó nhiều chuyên gia dự báo rằng rất khó thực hiện, nhưng đến nay hệ thống ngân hàng đã làm được.
Nguồn vốn tín dụng ưu tiên sản xuất với các lĩnh vực như cho vay để phát triển ngành thủy sản, cho vay thu mua lúa gạo… hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp. Vị thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tuy lãi suất cho vay trung hạn còn cao, nhưng trong 6 tháng qua, nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt đã vay được lãi suất thấp, thậm chí có nơi ngân hàng chào mời mức lãi suất cho vay 6%/năm. Tức là, những doanh nghiệp làm ăn tốt đều có cơ hội để vay lãi suất thấp, thuận lợi để đầu tư mới, mở rộng sản xuất.
Còn đối với cá nhân, hiện lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà đã giảm đáng kể so với 3 năm trước đây và chỉ còn dao động trong khoảng 9 - 10%/năm. Mức lãi suất này, theo các chuyên gia tài chính, đã hợp lý hơn so với 2 năm trước đây. Chiến lược phát triển tín dụng của các ngân hàng thương mại tập trung đẩy mạnh cho vay mua nhà là điều kiện tích cực cho người cần vốn mua nhà ở.
PV / baodautu