Lãnh đạo nước ta đã nhận ra việc phải thu hút FDI có chọn lọc, thậm chí phải ra điều kiện cho khu vực này nếu muốn vào làm ăn, khá sớm nên hơn 30 năm trước, song song với việc khuyến khích thu hút FDI, đã đề ra chủ trương: “liên doanh” và “nội địa hóa”.
Liên doanh ngày càng ít
Về hình thức đầu tư, ngay từ đầu đã đề ra: Hình thức chủ yếu là doanh nghiệp FDI liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Đây cũng chính là bài học rút ra từ liên doanh dầu khí Vietsovpetro mà tôi nêu lên trong bài Thu hút FDI: Chuyện chưa kể từ dự án đầu tiên.
Rất tiếc là sau hơn 30 năm hình thức Liên doanh không trở thành hình thức chủ yếu, mà ngược lại thành thứ yếu. Các con số sau đây nói lên điều đó: hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 72% tổng vốn đầu tư đăng ký, liên doanh chiếm 22%, hợp đồng BOT, BT và BTO chiếm 4% và hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm 2%.
Cũng tương tự như vậy, càng hô hào “nội địa hóa”, thì “ngoại địa hóa” tăng lên rất nhanh.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XIII tới đây, cùng với hàng loạt vấn đề khác, câu chuyện nêu trên đây phải được mổ xẻ đến nơi, đến chốn mới mong tìm được câu trả lời đích đáng, mới mong có các giải pháp phù hợp nhất có thể để thực hiện chủ trương thu hút vốn FDI “có chọn lọc” cũng như ít nhất từng bước (nhưng phải thật nhanh) đảo ngược tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước so với khu vực FDI ở mức 30/70% hiện nay thành 70/30%.
Tất nhiên, không phải bằng cách “không thu hút vốn FDI”, mà phải bằng cách làm cho khu vực kinh tế trong nước mạnh lên nhanh chóng nhất có thể, phải bằng cách đặt ra các điều kiện hết sức cụ thể mỗi khi cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp FDI, phải bằng khuyến khích, ưu đã mạnh hơn nữa để thu hút vốn FDI, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, không khuyến khích, ưu đãi tràn lan....
Nhanh chóng phát triển một nền công nghiệp dân tộc phải theo hướng hiện đại. Ảnh: Lê Anh Dũng
Vì sao Hàn Quốc phát triển công nghiệp
Nói về xây dựng nền công nghiệp dân tộc ta nên học kinh nghiệm của Hàn Quốc. Ai cũng biết Hàn quốc rất thành công trong công nghiệp hóa đất nước, nhờ đó, kinh tế tăng trưởng rất cao và bền vững. Còn ta thì chưa đạt được như vậy.
Năm 1960 GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là 100 USD, đến năm 1990, con số này là 6.153 USD, tức tăng trên 60 lần, sau 30 năm. Việt Nam ta GDP bình quân đầu người năm 1990 cũng 100 USD, đến năm 2020, con số này là 2.750 USD (số liệu điều chỉnh lại là 3.700 USD), tức tăng trên 27 lần, cũng sau 30 năm.
Vậy là cùng 30 năm, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với ta. Kinh nghiệm thành công trong công nghiệp hóa của họ có nhiều, nhưng điều dễ nhìn thấy nhất ở Hàn Quốc là họ đi lên bằng công nghiệp dân tộc, bởi Hàn Quốc ngay từ đầu không chủ trương thu hút nguồn vốn FDI.
Nhanh chónh phát triển nền công nghiệp dân tộc
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu cho nước ta trong 25 năm tới: Đến năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được mục tiêu trên đây, theo cách nhìn của người viết, không chỉ cần một nguồn lực đầu tư khổng lồ, trong đó nội lực là quyết định và sử dụng nguồn lực đó đạt hiệu quả cao nhât có thể, mà còn cần một tài năng kiệt xuất của những nhà quản trị quốc gia. Điều này không có gì mới, đây chỉ là kinh nghiệm rút ra từ các nước phát triển trên thế thế giới, nhất là các “con Rồng” Châu Á.
Phải nhanh chóng phát triển một nền công nghiệp dân tộc phải theo hướng hiện đại.
Chúng ta phải mổ xẻ, bàn thật kỹ, không sợ trách nhiệm về sự thất bại trong việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước thời gian dài vừa qua, ít nhất là từ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 1991-2000 đến nay; về sự thất bại trong thực hiện nhiệm vụ “nội địa hóa” công nghiệp.
Cũng phải bàn và khắc phục cho bằng được tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc chăm lo phát triển công nghiệp nội địa, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các làng nghề, công nghiệp gia đình. Lấy thí dụ nhỏ: họ thiếu mặt bằng sản xuất, họ kêu gào nhiều năm vậy mà đến nay chính quyền ta chưa xử lý cho được họ là vì sao?
Phải thay đổi việc phân cấp quản ly thu hút và sử dụng vốn FDI theo hướng tập trung hơn so với hiện nay. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đảng ta có chủ trương: để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn tiếp theo, điều kiện tiên quyết là phải huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước cho phát triển, trong đó vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
Điều khác biệt lớn nhất của việc thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI trong giai đọan tiếp theo so với trước là phải có sự lựa chọn kỹ càng. Phải xem “trải thảm” để thu hút nguồn vốn FDI bằng bất cứ giá nào chỉ còn là quá khứ.
Tiêu chí để lựa chọn là căn cứ vào Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 20-8-2019 hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Để hiện thực hóa được các tiêu chí đó, theo người viết, cần xem hình thức doanh nghiệp FDI liên doanh với doanh nghiệp trong nước như là tiêu chí, là điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời, phải bằng mọi cách nâng nhanh tỷ trọng hình thức liên doanh trong tổng vốn đầu tư FDI (hiện đang chiếm khoảng 22% là quá thấp).
Điều kiện để chúng ta đẩy nhanh được việc tăng tỷ trọng hình thức liên doanh trong tổng vốn đầu tư FDI đã khác xa so với trước: Đó là thể chế kinh tế thị trường đã có sự thay đổi lớn; đó là hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng rất nhanh cả về số lượng, lẫn chất lượng; đó là, tuy chưa như mong muốn, nhưng hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã có sự thay đổi đáng kể trong hoạt hoạt động theo cơ chế thị trường…
Cuối cùng, cần phải đánh giá, xem xét thật kỹ vấn đề phân cấp quản lý nhà nước về thu hút và sử dụng vốn FDI để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Quản lý nhà nước nói ở đây bao gồm tất cả các khâu, từ thu hút, cấp phép, vận hành của doanh nghiệp và cuối cùng là phân chia kết quả làm ra cho các bên.
Người viết cho rằng, phân cấp quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động kinh tế nói chung, cung như khu vực FDI nói riêng là một xu thế tất yếu, nhưng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phải phù hợp với năng lực của từng cấp được phân cấp...
Việc phân cấp quản lý nhà nước về thu hút và sử dung nguồn vốn FDI cho các địa phương như hiện nay, bên cạnh thành công, vẫn còn những bất cập không nhỏ, có hại cho lợi ích quốc gia. Lấy vài thí dụ: cạnh tranh giữa các địa phương trong thu hút vố FDI; các địa phương thi nhau “trãi thảm”. Kết quả cuối cùng, có thể có lợi về mặt kinh tế cho một địa phương cụ thể nào đó, nhưng tổng thể có hại cho lợi ích quốc gia.
Hơn thế nũa, chủ trương của nhà nước ta, như trên đã nêu: Việc thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI trong giai đọan tới khác xa so với trước. Đó là phải có sự lựa chọn kỷ càng. Sự “lựa chọn” này phải xuất từ lợi ích toàn diện của đất nước, cả kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh... Những nhà quản trị một địa phương khó có điều kiện để nhìn nhận đầy đủ lợi ích toàn diện của quốc gia. Đó là chưa kể đến bệnh “địa phương chủ nghĩa” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, mà không dễ gì “tiêu diệt” nó một sớm, một chiều.
Vì vậy, phải thay đổi việc phân cấp quản ly thu hút và sử dụng vốn FDI theo hướng tập trung hơn so với hiện nay. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc bên cạnh chúng ta.