Theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thiếu và phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của từng DN. Trong khi đó, khách hàng cá nhân mới là nhóm chủ thể được hỗ trợ nhiều về miễn giảm phí thanh toán từ phía các ngân hàng hơn là giảm lãi suất tín dụng.
Cung vốn nhiều nhưng cầu từ doanh nghiệp yếu
Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã cam kết chung tay hỗ trợ cộng đồng DN gặp khó trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với nhiều DN đã tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; hoặc nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan là lượng đơn hàng bị hủy quá nhiều thì nhu cầu vay vốn mới không còn cần thiết trong thời điểm này.
Một số DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh gia đình tại Hà Nội cho biết nếu tại thời điểm trong tháng 2 và 3, trước khi có yêu cầu cách ly xã hội, họ đã tính tới việc đi vay vốn ngân hàng để cầm cự qua thời gian dịch bệnh. Nhóm chủ thể này gặp khó khăn rất nhiều do lượng khách hàng sụt giảm mạnh, doanh thu bị ảnh hưởng, do đó việc đi vay vốn để trả tiền thuê mặt bằng và trả lương người lao động là cần thiết. Nhưng với tình hình hiện tại, các cơ sở kinh doanh này đóng cửa hoàn toàn, người lao động buộc phải cắt giảm, chủ doanh nghiệp đã dừng ý định đi vay vì đó có thể trở thành một gánh nặng tài chính cho họ trong một tương lai bất định.
Theo PGS-TS. Tô Trung Thành của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đối với nhiều DN, khả năng hấp thụ dòng vốn từ các gói tín dụng cho vay mới với mức lãi suất thấp là rất khó khăn.
“Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp cầm chừng hoặc không sản xuất không phải vì thiếu vốn mà vì cầu giảm sút nghiêm trọng, chuỗi sản xuất toàn cầu bị đình trệ, nên cho dù lãi suất thấp, các doanh nghiệp có thể sẽ không phản ứng hoặc phản ứng rất yếu”, ông Thành nhận định.
Mới có BIDV công bố giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp. Ảnh minh hoạ: BIDV
Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã liên tục triển khai mở rộng các gói hỗ trợ lãi suất từ đầu tháng 2 tới thời điểm hiện tại, nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Cụ thể, HDBank cho biết thực hiện các chỉ đạo và định hướng của chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời chủ động đưa ra các gói hỗ trợ dành cho khách hàng và theo sát diễn biến dịch bệnh, từ 31-03, HDBank sẽ tự động giảm sâu lãi suất vay đến 4,5%.
Theo đó, ngân hàng này triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 -4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước. Khách hàng không cần phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải do dịch bệnh và được HDBank miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu nợ, giãn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm so với quy định từ 1.5-2.5% với tổng giá trị lên tới 12.000 tỷ đồng”.
Ngoài ra, các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh sẽ được xem xét ân hạn nợ, miễn/giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới/tái cấp hạn mức để ổn định sản xuất kinh doanh, theo đúng các quy định của Thông tư 01, với tổng mức dư nợ được xem xét khoảng 40-50 ngàn tỉ đồng.
Cùng với đó, TPBank cũng xem xét giảm lãi suất cho vay với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện đang vay ngân hàng, với mức giảm từ 0.5-1% so với lãi suất trên hợp đồng, tổng dư nợ dự kiến được giảm lãi khoảng 30.000 tỉ đồng.
Ngay trong tháng 3/2020, TPBank thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỉ đồng, và sẽ tiếp tục triển khai việc này trong các tháng tới.
Trong khi đó, tại khối ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp và người dân, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ việc giảm/ưu đãi lãi suất cho vay và giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỉ đồng.
Song song với đó, từ ngày 23-1 đến nay, Vietcombank đã thực hiện giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỉ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền.
Cần quan tâm nhóm khách hàng cá nhân
Động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng mới hướng tới đại bộ phận DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hay phải thanh toán các khoản nợ của nhiều loại thẻ tín dụng vẫn còn chưa thực sự được quan tâm, dù họ cũng là những người bị dịch bệnh tác động tới như mất việc làm, tiền lương bị cắt giảm, dẫn đến nguy cơ khó trả nợ đúng hạn. Hỗ trợ từ phía ngân hàng mới dừng lại ở hình thức miễn hoặc giảm phí thanh toán.
Với chỉ đạo từ phía NHNN, sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng. Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho các khách hàng trong cả 2 lần giảm phí khoảng 560 tỉ đồng.
Một phần hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng đối với người dân và DN để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Hiện tại, mới chỉ có BIDV công bố giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.