Lễ công bố Sách Trắng 2016 tại TPHCM hôm 3-3. Ảnh: Thu Nguyệt
Còn đến hai năm nữa Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) mới có hiệu lực, nhưng ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho rằng đây là khoảng thời gian ít ỏi để Chính phủ, người dân và doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị nhằm tránh bị sốc khi hiệp định này có hiệu lực.
Tại lễ công bố Sách Trắng 2016 và triển vọng của FTA VN-EU do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phái đoàn liên minh EU tổ chức hôm nay, 3-3, tại TPHCM, ông Bruno Angelet nói rằng doanh nghiệp Việt Nam năng động và muốn FTA VN-EU được thực hiện sớm, nhưng nếu không chuẩn bị năng lực thì cả Chính phủ và doanh nghiệp sẽ bị sốc.
Trước những cơ hội cũng như thách thức từ việc mở cửa thị trường theo FTA, đối với những quốc gia lớn có năng lực thì việc mở cửa không sao, nhưng năng lực không lớn thì phải có chuẩn bị, và đưa ra danh mục hành động cụ thể theo thứ tự ưu tiên để chuẩn bị, chứ không thể cứ ký kết xong một FTA rồi thì buông tay đợi có hiệu lực.
“Việt Nam hiện có lợi thế về xuất khẩu, với 83% GDP đến từ xuất khẩu, nhưng điều đó vẫn chưa đủ; chúng ta cần phải chuẩn bị và việc này phụ thuộc vào Chính phủ Việt Nam. Tôi hi vọng Chính phủ (nhiệm kỳ) mới của Việt Nam sẽ đưa ra thông điệp tiếp tục cải cách, và các bên sẽ hợp tác để chuyển đổi, biến cơ hội thành hiện thực”, vị này cho biết.
Theo ông Bruno Angelet, thách thức chính cho Việt Nam trong tương lai là làm cách nào tiếp tục tăng trưởng và gia tăng lợi thế về dân số cũng như ngành sản xuất trong nước, vì hiện phần lớn xuất khẩu của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), những đơn vị đang đầu tư và xem đây như một trung tâm để sản xuất và xuất khẩu sang các nước ASEAN cũng như EU.
Mục đích của FTA VN-EU là đem lại sự tiếp cận bình đẳng giữa hai thị trường. Với việc xoá bỏ dần thuế quan theo cam kết trong hiệp định này, trong chừng 10 năm tới, gần như 99% hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được miễn thuế, đồng nghĩa với việc tiếp cận tự do đến thị trường lớn này. Ông Bruno Angelet cho rằng đây quả thực là thuận lợi lớn cho Việt Nam, và cũng giúp thu hút thêm nhiều đầu tư vào đây.
Trao đổi với phóng viên bên lề lễ công bố, ông Bruno Angelet đặt ra câu hỏi là một khi hiệp định này có hiệu lực và được thực hiện, phải chăng tất cả xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ được hưởng lợi thế? Câu trả lời của chính ông là “không”.
“Để đảm bảo hiệp định có thể tạo ra tiềm năng, và đem lại kết quả, việc này phụ thuộc rất nhiều vào những việc mà chúng ta làm trước đó. Đó là những cải cách của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp phải tiến hành để chuẩn bị. Một điều hết sức quan trọng là, trước khi hiệp định có hiệu lực vào đầu năm 2018, Chính phủ Việt Nam và EU ngay bây giờ phải nhanh chóng liệt kê ra những điều cần phải làm trước khi hiệp định có hiệu lực. Chúng ta chuẩn bị càng nhiều càng tốt. Chuẩn bị càng sớm thì nền kinh tế Việt Nam càng đỡ bị sốc”, ông cho biết.
Chẳng hạn như về nông nghiệp, ông Bruno Angelet nói rằng ông biết cả Chính phủ, người dân, và doanh nghiệp Việt Nam đều lo ngại về khả năng xuất khẩu nông sản vào EU. Xuất khẩu nông sản đang chiếm 20% GDP của Việt Nam, nhưng giá trị đem lại không nhiều.
“Tôi muốn thấy nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều vào EU nhưng hiện tại việc này là không thể, vì sao? Vì chất lượng của nông sản Việt Nam cũng như khả năng kiểm soát an toàn thực phẩm của Chính phủ Việt Nam hiện quá yếu. Chúng ta phải làm rất nhiều để đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn của EU. Chúng ta không thể đợi hai năm nữa mới giải quyết vấn đề này. Tôi cho rằng Bộ Nông nghiệp của Việt Nam càng sớm giải quyết vấn đề này càng tốt. Tất nhiên, không thể kỳ vọng là mọi thứ có thể thay đổi ngay nhưng chuẩn bị càng sớm càng tốt".
"Ngoài ra, cũng qua việc chuẩn bị này, chúng tôi mới biết được nhu cầu của Việt Nam để chúng tôi có thể cung cấp các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật”, vị này cho biết.
Hay, trong FTA VN-EU có điều khoản về việc Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công cho các nhà đầu tư EU, theo đó các công ty EU có thể tham gia đấu thầu, cung cấp dịch vụ cho y tế công,… Đây là đột phá trong chính sách của Việt Nam, nhưng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia bình đẳng với doanh nghiệp EU trong việc đấu thầu mua sắm, cũng như đòi hỏi năng lực của Chính phủ Việt Nam.
Ông Đại sứ cho rằng, chắc chắn một điều là Việt Nam không thể chuẩn bị hết 100% trước khi hiệp định này có hiệu lực, và cũng không có chuyện sẽ không chuẩn bị gì cả. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các bên sẽ có nhiều việc phải làm, một phần vì có những cam kết mở cửa sẽ không có hiệu lực ngay tức thì mà có thời gian chuyển tiếp. Vấn đề là Chính phủ Việt Nam phải biết được để chuẩn bị.
Để hỗ trợ Việt Nam, EU sẽ có gói hỗ trợ kỹ thuật và tài chính thực hiện trong hai năm tới để chuẩn bị cho FTA VN-EU. Theo yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và quốc gia thành viên EU, bên phía EU sẽ thực hiện và công bố cuốn cẩm nang FTA VN-EU bằng tiếng Anh để doanh nghiệp EU biết được hệ luỵ cũng như lợi ích từ hiệp định này, đồng thời có những so sánh về những khác biệt trước và sau khi FTA có hiệu lực.
Ngoài ra, Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng hợp tác với VCCI để thực hiện một cuốn cẩm nang tương tự cho doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến cuối tháng 5-2016, cuốn sách này có thể sẽ được giới thiệu ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao nhận thức và hiểu biết về hiệp định này.
Theo thông tin trong Sách Trắng 2016 được Eurocham thực hiện và công bố, các thông báo của Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của EU cho thấy, từ tháng 1-2015 đến ngày 1-9-2015, có tới hơn 25 sản phẩm của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu, việc cấp phép nhập khẩu cho khoảng 40 sản phẩm khác đang phải chờ xem xét. Trước đó, trong năm 2014, có đến 126 sản phẩm của Việt Nam không được cấp phép nhập khẩu ngay vào EU.
Theo T.Thu / thesaigontimes.vn