Bắt con đi học thêm nhiều thì thương con cực, không cho đi thì sợ con không theo kịp chương trình, sợ con tự ti, thậm chí lo con bị “đì”.
Lại lần nữa, vấn đề dạy thêm - học thêm được xới lên sau cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ GD&ĐT và TP.HCM ngày 7-6. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đau đáu chuyện xóa bỏ dạy - học thêm và chạy trường, chạy lớp.
Phụ huynh - học sinh: Học thêm mới yên tâm
• Hết hè này con tôi sẽ lên lớp 8. Bé nghỉ hè hồi cuối tháng 5, cuối tháng 8 mới vào học lại nhưng thực tế con tôi chỉ được nghỉ khoảng một tháng. Đến 27-6, cô giáo mở lớp phụ đạo hè, bảo ai cho con học thì đăng ký, học những môn chính: Văn, toán, Anh văn. Nói là “ai thích thì đăng ký” vậy chứ ai dám không đăng ký. Cho bé học nhiều thì tội nhưng không cho học thì thua người ta. Lại nữa, cô giáo đã gọi điện thoại nói vậy thì thôi cho con đi học, sau này… “dễ giao lưu”. Cách đây một năm, có cô giáo cũng mở lớp phụ đạo. Mấy đứa đi học ở “lò” của cô được học trước chương trình, biết được dạng đề kiểm tra, làm vèo vèo, điểm cao chót vót; mấy đứa không học thêm bị cô đưa ra phê bình, nhắc nhở, nào nhắc trong giờ học, rồi nhắc trong giờ sinh hoạt lớp, họp phụ huynh… Phụ huynh có phản ánh lên nhà trường nhưng ban giám hiệu cũng chỉ mời cô ấy lên nhắc nhở vì không có chứng cứ, rồi chuyện đâu lại vào đấy.
NGUYỄN LÊ HUY (Quận Gò Vấp, TP.HCM)
• Con tôi chỉ mới học cấp 2 thôi mà ngày nào cũng đi học từ sáng đến tối, hết học ở trường rồi lại phải học thêm ở ngoài. Có lần tôi hỏi con “chương trình học của con nhiều lắm hả con?”; thằng bé trả lời “con mà không học thì sẽ thua bạn. Bạn con đứa nào cũng phải học thêm, ai không học là không theo kịp bài vở trong lớp. Có những bài cô chỉ mới giảng sơ qua là các bạn đều biết vì khi học thêm đã được học trước. Nếu cô mà hỏi đến mà bạn nào không biết thì quê lắm”. Ngày xưa, chỉ các trò học kém mới cần học thêm chứ những đứa bình thường đâu ai đi phụ đạo. Nếu đã là học thêm thì nên học những gì chuyên sâu, còn chỉ dạy trước - dạy sau thì chẳng có tác dụng gì, còn khiến các cháu chủ quan.
TRẦN MINH SƠN (Quận Tân Phú, TP.HCM)
Các học sinh tiểu học chuẩn bị vào lớp tại một điểm học thêm ở TP.HCM. Ảnh: HTD
• Tôi là người rất không muốn cho con học thêm vì quá cực nhưng hết lớp 6 là tui đã thấm ngay. Cuối học kỳ 2 con tui đã phải đi học thêm môn toán vì những gì thầy dạy trên lớp nó đã không kịp nắm bắt, không kịp hiểu, hỏi thì thầy chỉ giảng lại qua loa. Về nhà mình có giảng cũng không đúng theo kiểu dạy của thầy nên thua! Con không hiểu vẫn hoàn không hiểu. Nhưng khi cho con đi học thêm vào hai buổi sáng thứ Bảy và chiều Chủ nhật thì toàn bộ kiến thức toán lớp 6 con đã thu lượm được.
NGUYỄN THANH TRANG (Quận Thủ Đức, TP.HCM)
Giáo viên: Không dạy thêm, làm sao sống?
• Tôi tốt nghiệp CĐ sư phạm ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh. Bảy, tám năm trước, ngành này đang “hot”, cứ nghĩ sẽ xin được việc dễ dàng. Ngờ đâu tôi phải bôn ba khắp nơi, làm đủ thứ việc, từ gia sư đến làm công nhân. Tận khi gần 30 tuổi, tôi mới xin được về làm giáo viên hợp đồng tại trường tiểu học cách nhà 60 cây số, lương tháng hơn 2 triệu đồng. Tôi ở ký túc xá của trường nên không tốn tiền thuê nhà nhưng cũng phải lo ăn uống chứ đâu hít khí trời, uống nước lã qua ngày được. Có phụ huynh qua nhà nhờ kèm cho hai em, tiền công mỗi em 30.000 đồng/buổi, mỗi tuần ba buổi. Tôi là giáo viên hợp đồng nên chưa dám mở lớp như những giáo viên khác, nghe anh đồng nghiệp kể mỗi buổi đi dạy thêm ở lớp ngoài thu được 500.000 đến 1 triệu đồng mà thèm. Người ta dạy 2-3 buổi bằng cả tháng lương của tôi rồi. Không dạy thêm thì lấy gì mà sống, muốn mua món quà đơn sơ tặng bố mẹ cũng không có tiền. Tôi không gây khó dễ cho học sinh, mà nhận dạy trên tinh thần tự nguyện về cung-cầu. Nhiều khi thấy nghẹn đắng vì muốn sống với nghề, trụ với nghề sao vất vả, khổ tâm quá!
NGUYỄN PHƯƠNG THÙY (TP Vinh, Nghệ An)
• Dạy và học thêm đâu có gì xấu khi cả hai đều có nhu cầu thực sự. Trường hợp giáo viên o ép, gây áp lực để phụ huynh phải cho con đi học thì rất đáng phê phán... Nhưng với hàng trăm ngàn phụ huynh có nhu cầu thật, đặc biệt những thành phố lớn thì sao? Tiết học trên lớp 45 phút, học sinh chưa cảm nhận được cái hay của bài thơ, hay hiểu tường tận cách suy luận để làm phép tính thì đã hết giờ. Sách giáo khoa nặng nề, hàn lâm quá trong khi thời gian được phân bổ không đủ để dạy cho học sinh thấm bài giảng. Sao không nghĩ đến việc nhiều phụ huynh đến tận nhà giáo viên nhờ cậy mà chúng tôi chưa nhận? Sao không nghĩ những lò đào tạo chất lượng, học sinh vẫn phải thi tuyển đầu vào mới được học? Sao không nghĩ một năm bao nhiêu kỳ thi, cùng hầm bà lằng các việc không tên khác mà giáo viên phải làm chứ không chỉ cầm phấn đứng trên bục giảng nhưng chỉ cần chất lượng học sinh không đạt, tội tình đổ hết lên đầu giáo viên? Còn nhớ năm 2006, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi ấy đã nói Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Nay đã là 10 năm, chúng tôi vẫn đang vất vả vô cùng.
NGUYỄN THANH TÂN (Quận 3, TP.HCM)
Đừng lạm dụng ‘dạy phụ đạo’
Phát biểu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng “Năm nay dứt khoát xóa dạy thêm, học thêm” nhận được nhiều quan tâm của dư luận.
Bạn đọc Công Lý đề xuất: Chỉ nên cấm giáo viên ép buộc học sinh học thêm. Việc lựa chọn học thêm là do nhu cầu của phụ huynh, do con em họ tiếp thu chậm, cần học để vững kiến thức.
Độc giả Hoàng Trung viết: “Tôi luôn khuyến khích tinh thần tự học của con. Tôi ủng hộ dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém nhưng đừng lạm dụng từ “dạy phụ đạo” để buộc các học sinh phải đi học. Không tổ chức dạy thêm tại trường là giảm được tình trạng đi học thêm thì khi kiểm tra được điểm cao, không đi học thêm thì điểm thấp, học thêm theo cách học vẹt, rập khuôn, đến lúc gặp một bài toán khác lạ thì cắn bút”.
Bạn Nguyễn Khanh quan niệm rằng “Cấm dạy-học thêm sẽ tạo công bằng trong xã hội: Thầy cô giáo nào cũng nhiệt tình giảng dạy, tìm cách đổi mới phương pháp cho các em hiểu bài thì cần chi học thêm”.
Theo Nguyễn Trà - Nguyễn Hiền
PLO