Sau thời gian đầu thực hiện cơ chế trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, thị trường bắt đầu nhìn về một hướng có thể gọi là đánh tráo lãi suất giữa hai đồng tiền để kiếm lời.
Lãi suất huy động VND có xu hướng tăng lên, các khoản vay lãi suất mềm 6-7%/năm càng hạn chế, đặc biệt là với các khoản vay trung và dài hạn - Ảnh: Quang Phúc.
Thông tin phản ánh gần đây cho biết, một số người dân tính toán dùng nguồn vốn USD, gửi ngân hàng lãi suất 0%/năm để lấy sổ, dùng sổ đó cầm cố vay VND lãi suất chỉ khoảng 6-7%/năm, dùng tiếp nguồn VND đó đi gửi ngân hàng khác với lãi suất 8%/năm.
Qua cách đánh tráo trên, chung cuộc, người gửi ngoại tệ vừa có được chênh lãi suất từ 1-2%/năm, vừa chờ đợi để có được mức tăng của tỷ giá. Một cách làm được cho là lợi.
Không dễ
Phía đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhìn nhận cách làm trên như một hiện tượng, và cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ để xử lý phù hợp, hạn chế tình trạng vốn chạy lòng vòng trong hệ thống và góp phần tạo tín dụng ảo.
Tuy nhiên, đánh tráo lãi suất và đảo vốn như trên là không dễ, đặc biệt là rất hạn chế về đối tượng. Điều này được khẳng định từ thực tế lãi suất huy động và cho vay hiện nay, cùng yêu cầu cơ bản trong cân đối kỳ hạn đối với người gửi tiền khi quay vòng vốn.
Trước hết, việc thế chấp sổ tiền gửi USD vay VND với lãi suất mềm 6-7%/năm rất hạn chế về kỳ hạn. Các ngân hàng chủ yếu chỉ áp lãi suất cho vay thấp đó đối với các khoản vay ngắn hạn 1-6 tháng, ưu tiên cho các doanh nghiệp thực sự tốt để bổ sung vốn lưu động. Các khoản vay trung và dài hạn VND có lãi suất mềm hiện phổ biến đã là 8-9%/năm.
Trong khi đó, dùng số tiền VND vay được đó gửi ở ngân hàng khác, để có lãi suất 8%/năm, với thực tế huy động hiện nay, phải gửi ở các kỳ hạn dài, thậm chí rất dài với 36 tháng trở lên (cùng điều kiện quy mô tiền gửi phải hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng).
Với hai điểm đối lập trên, khoảng trống kỳ hạn là rủi ro khó thực hiện để đánh tráo lãi suất và đảo vốn như vậy.
Người gửi USD lấy sổ cầm cố vay VND kỳ hạn ngắn (để được vay lãi suất thấp 6-7%/năm), gửi lại VND phải ở kỳ hạn dài để được lãi suất 8%/năm. Khi khoản vay VND đáo hạn trước, khoản gửi VND ở ngân hàng khác kỳ hạn dài và không được rút trước hạn, rủi ro thanh khoản xẩy ra đối với người gửi tiền.
Người gửi có thể dùng sổ tiền gửi VND kỳ hạn dài đó cầm cố để tạo tiếp một khoản vay mới (với yêu cầu vẫn phải vay được lãi suất thấp hơn 8%), tạo một vòng quay mới lấy vốn đắp đổi cho khoản vay đáo hạn kia. Quản lý những vòng quay này không dễ. Trong khi đây là một sự luẩn quẩn gây ảo vốn và tín dụng trong hệ thống.
Dành thời gian làm việc khác
Mặt khác, có một yếu tố nữa cũng cần xem xét về giá trị chuyển tiếp. Khi cầm cố sổ tiền gửi USD, ngân hàng sẽ áp hạn mức cho vay là bao nhiêu, có được 100% giá trị VND quy đổi hay không. Thông thường, ngân hàng có thể áp hạn mức thấp hơn do dự phòng rủi ro tỷ giá đi xuống, dự phòng giá trị cầm cố sụt giảm (thực tế vẫn có diễn biến tỷ giá giảm trong thời gian qua).
Trong trường hợp ngân hàng áp hạn mức cho vay thấp hơn 100%, cơ sở số dư tiền gửi VND chuyển tiếp để gửi lấy lãi suất 8%/năm đã hao hụt, mức độ kiếm lời không còn nguyên vẹn như cách tính toán khá đơn giản về chênh lệch lãi suất nói trên.
Với những nhà đầu tư và buôn tiền chuyên nghiệp, điểm ngắm của họ là tỷ lệ phần trăm kiếm được trong một khoảng thời gian xác định, chứ không phải “thích” nắm USD hay VND.
Theo hướng đó, giả sử người gửi tiền làm được cách đánh tráo lãi suất và đảo vốn nói trên, dù rất khó, họ thu được tối đa 2%/năm chênh lệch lãi suất, cộng với “chờ đợi” tỷ giá tăng. Dự đoán mức tăng tỷ giá USD/VND năm nay tập trung ở quanh 4-5%/năm. Kỳ vọng của việc nắm giữ USD với cách làm đó có thể đạt tổng 7%/năm.
Còn nếu chuyển đổi sang VND và gửi tiết kiệm nắm ngay được 8%/năm (theo mức lãi suất của cách đánh tráo trên), đơn giản, dễ dàng và dành thời gian để làm việc khác, thay vì tìm cách đi đánh tráo lãi suất và đảo vốn, cùng với việc quản lý các vòng quay và cân đối kỳ hạn thực tế không hề dễ như trên.
(Theo VnEconomy)