Vẫn còn nhiều yếu tố cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Sản xuất tại Công ty Doosan Vina (Dung Quất , Quảng Ngãi). Ảnh: Đức Thanh
Điểm cộng và điểm trừ của môi trường kinh doanh
Các điểm cộng và điểm trừ của môi trường kinh doanh Việt Nam đã được khắc họa khá rõ nét trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI 2020), vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.
“Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong tương quan với các nước trong khu vực. Việt Nam đã chuyển hóa được một số điểm yếu trước đây thành lợi thế so sánh, nhưng cũng vẫn còn những lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện vì còn nhiều bất cập”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) nói.
Các điểm yếu trước đây đã được chuyển hóa thành lợi thế so sánh gồm rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh, mức độ ổn định chính sách và ổn định chính trị. Trong khi đó, 2 điểm yếu cần tiếp tục cải thiện là hệ thống thủ tục, quy định và kết cấu hạ tầng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong điều tra PCI-FDI từ năm 2013 đến 2015, nhóm nghiên cứu đã đề nghị các doanh nghiệp cho biết, họ có lựa chọn đầu tư vào Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia khác hay không, và nếu có thì đâu là các yếu tố thu hút họ đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, có 9 yếu tố đã được đưa ra, gồm kiểm soát tham nhũng; hệ thống thủ tục, quy định; thuế; rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất - kinh doanh; mức độ ổn định chính sách; hạ tầng; chất lượng cung cấp dịch vụ công; vai trò của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách; ổn định chính trị.
Điểm đáng mừng là, hầu hết các câu trả lời về lợi thế của Việt Nam đã được lựa chọn. Chẳng hạn, trên 90% doanh nghiệp được hỏi luôn coi chính trị ổn định là yếu tố luôn có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là lợi thế lâu dài.
Trong khi đó, với các lợi thế mới nổi, các doanh nghiệp FDI ngày càng coi Việt Nam là điểm đến có rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất - kinh doanh và rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn, sau những bước tiến ấn tượng trong những năm qua.
Cụ thể, sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, tỷ lệ doanh nghiệp FDI nhận định rủi ro bị thu hồi mặt bằng là thấp tại Việt Nam đã tăng từ 64% lên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam có rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn cũng tăng từ 60% năm 2013 lên 82% năm 2020.
Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đã đánh giá rất cao công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Có tới gần 40% doanh nghiệp FDI coi chống tham nhũng là một trong những điểm mạnh của Việt Nam trong năm 2020, tăng từ mức xấp xỉ 30% trong năm 2014. Đánh giá của doanh nghiệp FDI về lĩnh vực chất lượng cung cấp dịch vụ công đã cải thiện đáng kể, tăng từ mức 29% năm 2014 lên gần 46% năm 2020.
Điểm cộng khác có thể kể đến như tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đất đai, các cuộc thanh kiểm tra, thủ tục xuất nhập khẩu đều giảm theo thời gian.
Cạnh tranh thu hút FDI
Dù có nhiều lợi thế khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, song ông Đậu Anh Tuấn cũng đã nhắc đến việc Việt Nam phải cạnh tranh thu hút FDI với các quốc gia trong khu vực. Năm cái tên được chính các doanh nghiệp FDI nhắc đến nhiều nhất, như một phần trong chiến lược đa quốc gia của họ, là Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia.
Hẳn nhiên, trong số các quốc gia này, Trung Quốc là quốc gia cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, sau Covid-19, Việt Nam cũng đang ngày càng có vai trò lớn hơn, như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc và là ứng viên hàng đầu đối với các tập đoàn đa quốc gia trong chiến lược “Trung Quốc + 1”. Đây là điều đã được nhắc tới lâu nay và Việt Nam vẫn đang nỗ lực cải cách để đón đầu cơ hội này.
Một yếu tố đang cản trở sự phát triển của Việt Nam là hạ tầng giao thông. Cảng và sân bay nên có nhiều thuận lợi cho khu vực dân cư, nhưng chúng không nên quá gần đến mức góp phần gây ra tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng do xu hướng đô thị hóa..- Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch AmCham
Điểm đáng mừng khác, theo Báo cáo PCI 2020, trong số các quốc gia nói trên, vị thế của Thái Lan đã suy giảm rõ rệt, từ mức trung bình 23% doanh nghiệp FDI từng cân nhắc giữa nước này với Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015 xuống còn 10% vào năm 2020.
Mặc dù vậy, trong năm 2020, Thái Lan vẫn là một trong những lựa chọn phổ biến nhất để thay thế cho Việt Nam trong khu vực ASEAN, với vị trí ngang bằng Singapore và Indonesia (lần lượt là 11 và 10%).
Điều đó cho thấy, dù Việt Nam có lợi thế hơn, nhưng vẫn còn những điểm yếu khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại. Chẳng hạn, chuyện kiểm soát tham nhũng, hệ thống thủ tục, quy định, hạ tầng và chất lượng dịch vụ công. Nghĩa là, vẫn còn những khoảng trống cần phải lấp đầy.
Đại diện KorCham từng bày tỏ quan ngại khi một số chính sách của Chính phủ không nhất quán. “Trong quá trình đầu tư, có nhiều trường hợp Chính phủ đơn phương thay đổi các điều kiện của giấy phép đầu tư. Đặc biệt, khi Chính phủ sửa đổi nghị định, phải mất nhiều thời gian để được áp dụng quy định sửa đổi ở chính quyền địa phương. Các nhà đầu tư muốn chấp hành tối đa các điều kiện đầu tư đã được thay đổi, nhưng các công chức của chính quyền địa phương không biết về các quy định đã thay đổi. Điều này gây khó khăn trong việc cấp phép đầu tư”, vị này nói.
Cùng quan điểm, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cũng đã nhắc đến sự cần thiết phải ổn định môi trường pháp lý và các biện pháp khuyến khích đầu tư. Theo ông, có những rủi ro kinh doanh mà các công ty nước ngoài không thể bỏ qua và có thể là lý do khiến họ ngần ngại đầu tư thêm, nhất là khi các biện pháp khuyến khích đầu tư mà Chính phủ đưa ra sau đó lại bị các cơ quan thuế bác bỏ hồi tố.