Các dự án đầu tư công với tổng vốn rất lớn trong những năm tới như dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, dự án sân bay Long Thành... là nguồn "hút" nợ Chính phủ rất lớn. Ảnh: TL
Chính phủ đã đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ so với GDP từ mức 50% như hiện nay lên mức trần 55% trong giai đoạn 2016-2020 nhưng đa số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội không chấp nhận.
Cơ sở nào dẫn đến tăng tỷ lệ vay nợ?
“Cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015 và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay”, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã thay mặt Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17-10 khi Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kế hoạch vay - trả nợ công giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, Chính phủ đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đặt mục tiêu vay nợ trong vòng 4 năm tới như sau: nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Trong số 3 chỉ tiêu này thì chỉ tiêu dư nợ Chính phủ so với GDP cho giai đoạn mới đã được đề nghị điều chỉnh tăng thêm 5 điểm phần trăm so với chỉ tiêu hiện hành.
Theo quan điểm của Chính phủ, có nhiều tác động mới và khó khăn khiến nguồn thu ngân sách sụt giảm, bội chi ngân sách tăng dẫn đến phải vay nhiều hơn trong 4 năm tới; chẳng hạn như sự suy giảm của giá dầu làm giảm nguồn thu ngân sách, cơ hội tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với lãi suất thấp sẽ không còn khiến việc vay thương mại với lãi suất cao tăng lên. Áp lực huy động vốn cho mục tiêu đầu tư phát triên rất lớn là nguyên nhân đẩy nợ công, nợ Chính phủ luôn căng thẳng. Chưa kể đến chỉ tiêu GDP không đạt kế hoạch như năm nay thì việc phải điều chỉnh các hạn mức vay nợ tương ứng là cần thiết vì chỉ tiêu nợ công gắn chặt với con số GDP thực tế cao hay thấp, có đúng chỉ tiêu đề ra hay không.
Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định rằng, trong bối cảnh ngân sách chưa thật sự vững chắc thì cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như hiện hành và thắt chặt quản lý, sử dụng vốn vay. Có thể cân nhắc quy định nợ Chính phủ vượt ngưỡng tối đa 53% song đến năm 2020 phải đưa về giới hạn 50%. Vì thực tế trong quá trình điều hành, ngay từ năm 2015, Chính phủ đã để tỷ lệ nợ vượt mức trần Quốc hội quyết định (50,3% thay vì 50%). Nó kéo theo nghĩa vụ trả nợ, bao gồm cả đảo nợ trên tổng thu ngân sách năm đó vượt quá 25%.
Một số ý kiến khác cũng trong ủy ban cho rằng, vì mức trần thực tế đã hơn 50% song nếu nâng trần lên 55% trong vòng 5 năm tới thì Chính phủ phải giải trình rõ căn cứ đề xuất, đánh giá sâu rộng hơn hệ quả có thể xảy ra. Hiện nay còn thiếu nhiều cơ sở để xác định được sự cần thiết của việc nâng trần này, chẳng hạn như số liệu liên quan đến nhu cầu đầu tư, khả năng cân đối, bố trí vốn từ ngân sách, kế hoạch sử dụng vốn đối ứng cho các dự án… Mặt khác, khi Chính phủ tuyên bố dừng cấp bảo lãnh Chính phủ từ năm 2017 thì việc nâng trần nợ Chính phủ càng cần phải được giải trình cụ thể.
Giám sát chặt nghĩa vụ nợ dự phòng từ DNNN
Việc giữ vững các trần nợ công trong 5 năm tới như hiện nay là một thách thức vì giai đoạn 2011-2015, các chỉ số nợ công tăng với tốc độ khá nhanh và hầu hết đều sát trần. Một số khoản vay có tính chất nợ công, các khoản nợ khác của ngân sách như cấp bù chênh lệch lãi suất cho hai ngân hàng chính sách, nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được tính đúng, tính đủ vào loại nợ công chứ nếu tính đúng, đủ thì nợ đã vượt trần.
Mặt khác, các khoản tự vay, tự trả của DNNN tuy thuộc về nghĩa vụ của doanh nghiệp nhưng nếu không trả được nợ như hàng loạt các dự án đã bị dư luận phản ánh trong thời gian qua thì sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ và cần có biện pháp giám sát quyết liệt, chặt chẽ, không trả nợ thay. Nếu không sẽ chuyển nợ dự phòng thành nợ chính thức.
Vì những lý do đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá rõ hơn về dư nợ công khi tính đủ các khoản nêu trên nhằm đánh giá các khoản nợ xấu của DNNN có nguy cơ chuyển thành nợ Chính phủ. Bởi nếu không thống kê, đánh giá đầy đủ thì kể cả khi Quốc hội không cho phép, số nợ này sẽ tự động vượt trần nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/GDP, như trường hợp đã vượt trần năm 2015. Đó cùng là năm mà tỷ lệ vay nợ bằng trái phiếu Chính phủ trong nước kỳ hạn ngắn dưới 3 năm tăng đột biến, nhằm giúp Chính phủ có tiền để trả nợ và đảo nợ, gây áp lực rất lớn lên ngân sách từ đó đến nay.
Ngọc Lan / thesaigontimes.vn