Chúng ta vẫn đang đứng thứ 5 trong số 10 nước ASEAN, trong khi các nước phía trên không dừng lại để ta vượt qua và các nước xếp sau lại đang có những cải thiện vượt bậc. Nếu không có đột phá và tốc độ cải thiện nhanh, không những khó tiếp cận nhóm ASEAN 3 hoặc 4 thậm chí còn bị tụt lại phía sau.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2016 diễn ra sáng 5/12 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2016 có thể coi là “năm doanh nghiệp” của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những phục hồi đáng kể, môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện, các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song người đứng đầu Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, mỗi bước tiến bộ của chúng ta vẫn chưa thể sánh được với những bước tiến dài và nhanh của thế giới.
"Lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tuy đông đảo, nhưng chưa đủ mạnh và chưa đạt chuẩn quốc tế để tham gia hội nhập hiệu quả.
Với tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97%, tuy có sự phong phú, đa dạng và giải quyết tốt vấn đề việc làm cho xã hội nhưng thiếu các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh, đủ tầm, đủ tiêu chuẩn và khả năng để dẫn dắt cuộc chơi ngay tại thị trường trong nước cũng như tham gia cuộc chơi hội nhập", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục phát triển, số lượng doanh nghiệp FDI không ngừng tăng nhanh nhưng vẫn tồn tại khoảng cách giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước; vẫn tồn tại “ranh giới” giữa hai cộng đồng doanh nghiệp trong một nền kinh tế, thiếu sự kết nối và hợp tác giữa hai khu vực doanh nghiệp này.
Đề cập tới vấn đề môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quan tâm môi trường ngay từ đầu dự án đến vận hành là yêu cầu tiên quyết với một dự án đầu tư bền vững, lâu dài. Đây là điều kiện để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh bền vững.
“Doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam đều mong muốn lâu dài và ổn định, muốn vậy môi trường phải đặt lên hàng đầu. Đó là yêu cầu của Chính phủ cũng như của nền kinh tế xã hội”, ông Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhờ những nỗ lực, quyết tâm cả của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh đã có cải thiện về thứ hạng.
"Tuy nhiên vẫn chưa có sự bứt phá nếu xét trong khu vực ASEAN. Chúng ta vẫn đang đứng thứ 5 trong số 10 nước ASEAN, trong khi các nước phía trên không dừng lại để ta vượt qua và các nước xếp sau lại đang có những cải thiện vượt bậc. Nếu không có đột phá và tốc độ cải thiện nhanh, không những khó tiếp cận nhóm ASEAN 3 hoặc 4 thậm chí còn bị tụt lại phía sau", ông Dũng cho biết.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu thẳng thắn đánh giá thì môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt nhưng so với nhiều nước, đặc biệt trong khu vực ASEAN thì vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của doanh nghiệp thì lại càng xa.
"Nhiều chính sách kinh tế còn bất cập, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà, thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao… đang là những mối quan ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp", ông Lộc nói.
Trong bối cảnh đó, theo ông Lộc, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.
N.Mạnh / BizLIVE