Đánh giá về chất lượng đào tạo hệ chính quy và tại chức hiện nay đang chưa tương xứng về chất lượng, nhiều chuyên gia lo ngại quy định không phân biệt bằng chính quy và tại chức khiến “vàng thau lẫn lộn”.
Dư luận bày tỏ lo ngại về chất lượng đào tạo chính quy và tại chức. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN |
Tiến bộ hay cào bằng?
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang được Bộ GDĐT xin ý kiến trước khi trình Chính phủ quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Như vậy, các trường đại học sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho tất cả các hình thức đào tạo và không phân biệt hình thức đào tạo chính quy hay tại chức.
Lý giải về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - cho hay, việc phân biệt hình thức đào tạo sẽ tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau. Vì vậy, dự thảo mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm nói đến hình thức đào tạo như thế nào, đối tượng nào thì đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn.
“Những người soạn thảo dự thảo kỳ vọng các cơ sở đào tạo khi quan tâm chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là lời khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường với xã hội” - bà Phụng cho hay.
Đề xuất này khiến nhiều người lo ngại về việc kiểm soát chất lượng đào tạo khi hai tấm bằng với hai hình thức đào tạo, tuyển sinh khác nhau lại có giá trị ngang nhau. Sinh viên Nguyễn Hồng Nhung (sinh viên năm 2, ĐH Công nghiệp Hà Nội) lo lắng: "Trong khi các trường đại học tuyển sinh ngày càng dễ dàng, các loại hình đào tạo ngày càng đa dạng thì dường như việc kiểm soát chất lượng giáo dục cũng là vấn đề khiến nhiều người học trăn trở".
Về đào tạo, hiện nay đang có khá nhiều khác biệt giữa hệ chính quy và hệ tại chức. Trong khi đại học chính quy phải vượt qua kỳ thi đầu vào rất khắt khe, học tập suốt 4 năm ròng rã thì hệ tại chức thi đầu vào rất dễ và thời gian học cũng ngắn hơn. Việc đào tạo hệ tại chức còn xuất hiện nhiều hiện tượng học giả, thi giả vẫn được cấp bằng thật. Việc sửa đổi quy định như vậy dường như là cào bằng thì đúng hơn là tiến bộ” - nữ sinh viên bày tỏ.
Đánh giá về nội dung dự thảo, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - cho rằng những lo lắng của người dân về việc “vàng thau lẫn lộn” trong việc cấp văn bằng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi thực tế, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức hiện nay nói là giống nhau chứ thực tế lại có nhiều sự khác biệt. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ tại chức chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn.
“Tôi cho rằng, đề xuất thống nhất văn bằng đại học của Bộ GDĐT có sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới. Nhưng, đó mới chỉ là xu hướng. Khi chúng ta chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo thì chưa thể cấp một loại văn bằng” - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.
Bài toán về quản lý chất lượng đào tạo
Với thực tế đào tạo tại trường, ThS Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM - lại cho rằng nhà trường hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của Bộ GDĐT. Việc Bộ GDĐT đề xuất không phân biệt bằng chính quy và tại chức cũng là hợp lý khi chương trình đào tạo của các trường cũng đã đồng nhất các hệ với nhau, hệ vừa học vừa làm, liên thông, từ xa hay chính quy là như nhau. Vì thế, không có lý do gì mà không đồng nhất chứng nhận khi ra trường và đây cũng là một xu hướng của thế giới.
“Về những lo lắng trong chất lượng đào tạo, theo tôi, hoàn toàn có thể kiểm soát được vì hiện nay các trường bắt buộc phải kiểm định chất lượng đào tạo cho từng ngành, từng hệ đào tạo. Và đồng thời khi thống nhất văn bằng thì cũng là áp lực cho các trường về đảm bảo chất lượng, không thể để chất lượng của hệ vừa học vừa làm ảnh hưởng đến hệ chính quy được” - ông Sơn thẳng thắn bày tỏ.
Mặt khác, ông Sơn chỉ ra rằng, hiện tại, thị trường lao động sẽ quyết định thương hiệu của trường nên nếu mỗi trường không “đàng hoàng” trong đào tạo thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Vấn đề thống nhất văn bằng sẽ tạo điều kiện để cho cơ hội học tập được mở rộng hơn. Lâu nay quan điểm “dốt chuyên tu ngu tại chức” đã in sâu trong các doanh nghiệp nên đang làm khó khăn cho người học. Biện pháp này sẽ hỗ trợ người học được tốt hơn và cơ hội cho người học không có điều kiện học chính quy sẽ rộng mở. Và điều này cũng mở rộng các phương án đào tạo trực tuyến theo xu hướng thế giới, phù hợp với thay đổi của giáo dục trong thời kỳ hiện nay.
Giải đáp về những băn khoăn của dư luận, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - cho biết, ngành giáo dục sẽ xây dựng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn nhất. Tháng 4.2017, Bộ GDĐT cũng đã ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, trong đó quy định rõ ràng điều kiện được tổ chức đào tạo loại hình này, quy định về thi, cấp bằng tốt nghiệp… nhằm nâng cao chất lượng.
“Bộ cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quan tâm đến chất lượng đào tạo của cơ sở mình và phải cẩn thận, có trách nhiệm khi cấp bằng bởi không chỉ các cơ quan quản lý giám sát mà chính xã hội cũng có những giám sát nhất định. Sắp tới, vấn đề kiểm định các trường sẽ được đẩy mạnh nhất là kiểm định chương trình, kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng cho chương trình đó” - bà Phụng cho biết.
Cũng theo bà Phụng, nếu như có phát sinh tiêu cực thì trước hết sinh viên của nhà trường sẽ không đồng ý và đấu tranh khi bằng của họ bị lẫn lộn với bằng không đảm bảo chất lượng khác.
Theo Báo Lao động