Tan Xinggang đã chi 5 triệu CNY (700.000 USD) vào năm ngoái để di dời một nhà máy giày từ Đông Quan (Quảng Đông) đến Nam Ninh (Quảng Tây) để cắt giảm chi phí. Thế nhưng, ông đã không tiết kiệm thêm được gì, vì cơ sở hạ tầng giao thông của Quảng Tây rất kém và lực lượng lao động hầu như không có kỹ năng.
Ngày 1/4/2012, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Malaysia thời điểm đó là Najib Razak đã bắt tay khai trương Khu công nghiệp Khâm Châu với tham vọng xây dựng một thị trấn công nghệ cao, phát thải carbon thấp với tầm cỡ quốc tế.
Hơn 7 năm sau, khu công nghiệp này, rộng bằng 1/10 lãnh thổ Hồng Kông, vẫn đang phải vật lộn để tìm kiếm doanh nghiệp vào hoạt động. Rất ít nhà đầu tư vào các ngành y sinh, điện tử và năng lượng mới đã được thu hút vào khu công nghiệp này, và trọng tâm đã chuyển sang một chuỗi sản xuất tổ yến. Điều này liên quan đến việc nhập khẩu yến sào từ Đông Nam Á và chế biến chúng thành nguyên liệu để nấu canh tổ yến Trung Quốc.
Cách biên giới với Việt Nam khoảng một giờ lái xe, khu vực này vẫn là một vùng đất hoang vu hẻo lánh. Rất ít doanh nghiệp hoạt động tại đây. Chỉ thấy một nhà hàng tên là Three Brothers Fast Food phục vụ các món xào, đồ nhắm, đồ uống, và bán thuốc lá cho một nhóm công nhân của khu công nghiệp.
Sự phát triển của các khu công nghiệp như Khâm Châu được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế.
Kể từ khi khu công nghiệp đầu tiên được mở tại khu vực Shekou, Thâm Quyến năm 1979, chấp nhận đầu tư từ Hong Kong, mô hình này, với các mức thuế ưu đãi, chính sách đất đai và công nghiệp hỗ trợ cho các nhà đầu tư, đã trở nên phổ biến đến mức hàng chục ngàn khu công nghiệp đã mọc lên trên khắp Trung Quốc. Trong số này, chỉ có khoảng 600 là do chính quyền Bắc Kinh phê duyệt, còn lại đại đa số được thành lập bởi chính quyền tỉnh và thành phố.
Các khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu và phát triển các ngành công nghệ cao hoặc công nghiệp trọng điểm như ô tô và điện tử, nhưng thu hút đầu tư ngày càng khó khăn bởi chính sách ưu đãi giống hệt nhau.
Giải pháp mới nhất của Bắc Kinh là nâng cấp các khu cộng nghiệp trở thành các khu vực thí điểm thương mại tự do. Kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu kế hoạch thí điểm tại Thượng Hải vào năm 2013, Trung Quốc đã phê duyệt 6 khu thương mại tự do tại 18 tỉnh.
Trung Quốc hy vọng rằng các khu vực thương mại tự do có thể giữ cho đất nước hòa vào dòng chảy thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu, để đảm bảo vai trò của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ đang gia tăng, và vị thế sản xuất của họ đang rơi vào tay Đông Nam Á.
Trong danh sách mới nhất được công bố vào tháng 8, Trung Quốc đã phê duyệt 6 khu thương mại tự do mới, trong đó có một khu ở Quảng Tây với sứ mệnh trở thành cửa ngõ của Trung Quốc đến Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21. Khu công nghiệp Khâm Châu Trung Quốc-Malaysia nằm trong khu thương mại tự do của Tần Châu, cùng với Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh và Sùng Tả ở khu vực biên giới với Việt Nam, tạo thành khu thương mại tự do Quảng Tây.
Vấn đề đối với Quảng Tây, chính thức được gọi là khu tự trị Tráng (Zhuang) - là phải cạnh tranh thu hút đầu tư quốc tế với Việt Nam. Việt Nam đã duy trì được thương mại song phương khả quan với Mỹ và ký thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu hồi tháng 6. Trong khi đó, các nhà sản xuất tại Trung Quốc phải chịu các mối đe dọa thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất.
Chen Jian, giám đốc điều hành của bộ phận xúc tiến đầu tư của Khu công nghiệp Khâm Châu cho biết, các chính sách ưu đãi chi tiết vẫn chưa sẵn sàng.
Vào một ngày làm việc bình thường, các trung tâm dịch vụ công tại Khâm Châu, Sùng Tả và Nam Ninh hầu như chỉ có một vài nhà đầu tư tiềm năng. Một nhân viên tại trung tâm Nam Ninh cho biết, chỉ có hơn một chục doanh nghiệp mới đăng ký kể từ khi tình trạng khu vực thương mại tự do được cấp cho khu vực này vào cuối tháng 8, nhưng tất cả đều là doanh nghiệp Trung Quốc.
Joe He, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần tại thị trấn biên giới Bằng Tường ở thành phố Sùng Tả, cho biết chiến lược của Quảng Tây là trở thành cầu nối giữa trung tâm sản xuất truyền thống của Trung Quốc tại Quảng Đông và Đông Nam Á. Nhưng chiếm lược này đang thất bại vì hiện nay có rất ít động lực để các nhà đầu tư chọn Trung Quốc thay vì Việt Nam .
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Quảng Tây là 570 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng đáng kể 75% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, tại Khâm Châu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm 71% xuống chỉ còn 22,8 triệu USD. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cùng lúc tăng 6,6% lên 11 tỷ USD.
Thương chiến Mỹ Trung khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài Trung Quốc cân nhắc di dời đến những nơi ngoài vùng phủ sóng của "cơn thịnh nộ của ông Trump", và Quảng Tây đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo một báo cáo được công bố bởi Cục thống kê Quảng Tây hồi tháng 8, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến, đặc biệt là điện tử, đang di cư tới các nước Đông Nam Á, để giảm thiểu tác động từ tranh chấp thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ.
Theo báo cáo của Nanning Fugui Precision Industry, một công ty con của Foxconn, đã chuyển 3,1 tỷ CNY (436 triệu USD) đơn hàng sang Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2019, với 10 tỷ CNY khác đang chuẩn bị được chuyển tiếp.
Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng những con đường, cây cầu, nhà xưởng công nghiệp và nhà kho mới. Nhưng ở bên kia biên giới, Việt Nam cũng đã bắt đầu có tiến bộ. Gao Jian, một đại lý Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp tại Trung Quốc làm ăn ở Việt Nam, cho biết có rất ít nhà xuất khẩu sản xuất chuyển đến Quảng Tây, nếu như họ có thể đến Việt Nam. "Đất đai và môi trường việc làm đang trở nên hấp dẫn hơn, và chính quyền Việt Nam có thể sẽ ngày càng cởi mở hơn trong những năm tới", ông Gao nói.
Cuối năm 2018, Tập đoàn thức ăn chăn nuôi Cargill (Mỹ) đã đầu tư thêm một nhà máy 25 triệu USD ở tỉnh Bình Dương và mới đây, công ty TLC (Trung Quốc) hoạt động trong lĩnh vực điện tử, tivi cho biết sẽ di dời sang khu công nghiệp ở tỉnh này.
Với sự xuất hiện của nhiều công ty, giá thuê tại một số khu công nghiệp, ví dụ như Khu công nghiệp Bàu Bàng, ở tỉnh Bình Dương đã tăng lên 150 USD mỗi mét vuông từ 65 USD hồi năm 2016. Giá thuê bất động sản công nghiệp ở một số tỉnh khác đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2019, trong đó Bình Dương tăng 54,6% và Tây Ninh tăng 31,1%.
Tan Xinggang đã chi 5 triệu CNY (700.000 USD) vào năm ngoái để di dời một nhà máy giày từ Đông Quan (Quảng Đông) đến Nam Ninh (Quảng Tây) để cắt giảm chi phí. Thế nhưng, ông đã không tiết kiệm thêm được gì, vì cơ sở hạ tầng giao thông của Quảng Tây rất kém và lực lượng lao động hầu như không có kỹ năng.
"Tôi đã di dời chuyển để tiết kiệm chi phí, nhưng cuối cùng tôi phải trả thêm 3 triệu CNY để đào tạo công nhân địa phương, và tôi phải gửi thành phẩm trở lại Thâm Quyến và Hong Kong để xuất khẩu", ông Tan nói.
Simon Zhao, giáo sư tại United International College, cho biết các khu vực như Quảng Tây, mặc dù có tình trạng thương mại tự do, vẫn sẽ gặp khó khăn hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, bởi vì ngay cả những nơi mà lao động chuyên môn cao và phát triển như Thượng Hải và Quảng Đông cũng còn phải làm rất nhiều để thu hút các nhà đầu tư. "Quảng Tây đã có nhiều khu kinh tế, khu vực thương mại tự do, khu thương mại xuyên biên giới, nhưng tất cả dường như không hiệu quả trong việc thu hút dòng đầu tư hoặc thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội địa phương".
Theo Trí thức trẻ/South China Morning Post