Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, thuộc địa phận xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi ở và làm việc của Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Tôn Đức Thắng (khi đó là quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội và Chủ tịch Mặt trận Liên Việt) trong giai đoạn từ cuối năm 1952 - 1954.
Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội có tổng diện tích hơn 2.000 m², gồm Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà bia di tích và Nhà lưu niệm Ban Thường trực Quốc hội.
Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Bác Tôn) được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, gồm 2 gian, mái lợp lá cọ. Gian ngoài là nơi Bác Tôn làm việc và tiếp khách, gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Lán được dựng sát dòng sông Phó Đáy, dưới những tán cây cổ thụ rậm rạp để đảm bảo bí mật cũng như thuận tiện cho việc liên lạc giữa các cơ quan Trung ương, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng trong vùng.
Sát lán ở của Bác Tôn là hầm an toàn. Hầm có hình chữ L, được đào sâu vào sườn núi Chi Liền khoảng 10m, đào sang ngang 10m, có hai cửa thông hai đầu. Hầm được ốp gỗ 3 mặt tẩm hắc ín chống mối mọt, các tấm gỗ được nối liền bằng đinh đỉa chắc chắn.
Hầm an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Trong thời gian ở và làm việc tại đây, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng, Ban Thường trực Quốc hội đã hoạt động rất tích cực và tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng như: Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt (tháng 2/1953); Hội nghị toàn quốc của Ủy ban Liên Việt (tháng 11/1953). Đây cũng là địa điểm Ban Thường trực Quốc hội soạn thảo nội dung và chuẩn bị tài liệu cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa I (khóa họp duy nhất tại chiến khu Việt Bắc, diễn ra từ ngày 1 - 4/12/1953); cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ họp bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ… góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi vẻ vang.
Cuối tháng 7/1954, Bác Tôn cùng hai cơ quan Mặt trận Quốc hội và Thường trực Quốc hội đã rời Chi Liền xuôi theo dòng sông Phó Đáy ra huyện Sơn Dương qua đèo Khế sang Vai Cày - Đại Từ - Thái Nguyên về tiếp quản thủ đô Hà Nội.
Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 2000.
Nhà bia di tích và Nhà lưu niệm Ban Thường trực Quốc hội.
Nhà bia di tích của Quốc hội tại Tuyên Quang
Nhằm lưu giữ truyền thống của Quốc hội Việt Nam, bày tỏ lòng biết ơn đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã giúp đỡ, che chở và bảo vệ Ban Thường trực Quốc hội trong những năm kháng chiến và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, Văn phòng Quốc hội đã khởi công xây dựng Nhà bia di tích của Quốc hội tại Tuyên Quang, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2006).
Nhà lưu niệm Ban thường trực Quốc hội tại Tuyên Quang
Năm 2010, Văn phòng Quốc hội tiếp tục phối hợp với tỉnh Tuyên Quang khởi công xây dựng công trình “Nhà lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội”. Được khánh thành vào năm 2011, đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, công trình là biểu tượng minh chứng cho tinh thần cách mạng, truyền thống yêu nước, đại đoàn kết và ý chí đấu tranh kiên cường vì độc lập tự do của quân và dân ta. Nhà lưu niệm rộng khoảng 300m², gồm 3 gian, trưng bày 66 hiện vật, 255 ảnh tư liệu và nhiều tài liệu khoa học khác. Trong đó một gian trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp và các hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 2 gian dành để tái hiện quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Các tài liệu, ảnh, hiện vật trưng bày được sắp xếp theo chủ đề: Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Quốc hội Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Quốc hội Việt Nam với công cuộc khôi phục và đổi mới đất nước; Hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Đặc biệt ngay chính gian giữa của Nhà lưu niệm là bức phù điêu với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, thực hiện quyền công dân của mình.
Di tích Ban Thường trực Quốc hội mở cửa tất cả các ngày trong tuần phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.
Phương Mai (Ảnh: Anh Dũng) / vietnamtourism