Từ thị xã Cao Bằng đi tiếp 52km đến xã Trường Hà, huyện Hà Quảng du khách có thể tới thăm Khu di tích Pác Bó.
Pác Bó có nghĩa là “đầu nguồn” theo tiếng bản địa. Nơi đây được coi là cội nguồn của Cách mạng Việt Nam bởi địa danh này gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng nước ta những năm 1941-1945, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, ngày 28 tháng 01 năm 1941, qua cột mốc biên giới số 108, Nguyễn Ái Quốc (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó) đã trở về tổ quốc để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người đã có nhiều chủ trương và quyết định quan trọng cho cách mạng tháng Tám năm 1945: Chủ trì hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng từ 10/05 đến 19/05/1941, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, biên soạn các tài liệu cách mạng, tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự, sáng lập báo “Việt Nam độc lập” - cơ quan truyên truyền của Mặt trận Việt Minh, thành lập đội du kích Pác Bó.
Từ Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã đi nhiều nơi ở Cao Bằng, nhiều lần sang Trung Quốc bắt liên lạc với các lực lượng cách mạng Việt Nam và đồng minh. Trong chuyến đi Trung Quốc ngày 13/08/1942, Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép đến ngày 10/09/1943 mới được trả tự do. Cuối tháng 09/1944, Người trở về Pác Bó tiếp tục chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Đầu tháng 12/1944, tại Nà Sác, Người đã ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Ngày 04/05/1945, Người rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 20/02/1961, Chủ tịch Hồ chí Minh về thăm lại Pác Bó sau 20 năm xa cách.
Khu di tích lịch sử Pác Bó là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, đã được Nhà nước công nhận ngày 21/02/1975. Ngày 30/07/1994, Chính phủ quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng khu di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngày nay, trong những cuộc hành trình về “cội nguồn”, thế hệ trẻ luôn chọn điểm đến là địa danh Pác Bó để thăm những di tích lịch sử như Cột mốc 108 - nơi Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân lên đất Mẹ sau ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; nhà ông Lý Quốc Súng và hang Pác Bó - nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc để lãnh đạo Cách mạng Việt Nam ; bàn đá “chông chênh dịch sử Đảng”, suối Lê Nin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm, nhà cụ Dương Văn Đình… Tại nhà trưng bày ở Khu di tích Pác Bó, bạn sẽ thấy chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đôi dép cao su …mà Bác đã dùng. Tất cả những kỷ vật tưởng chừng rất đỗi bình dị này song rất thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt bởi nó gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác, người đã làm nên những trang sử vĩ đại cho dân tộc Việt Nam. Thăm khu di tích lịch sử này, du khách hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để rồi trong ký ức họ sống mãi những vần thơ lạc quan cách mạng của Người: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng Bàn đá chông chênh dịch sử Ðảng Cuộc đời cách mạng thật là sang". Khu di tích mở cửa các ngày trong tuần (trừ thứ 2), sáng từ 8h00’ đến 11h30’ và chiều từ 14h00’ đến 16h00’. Để có thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ theo điạ chỉ sau: · Khu di tích Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. · Ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng, phố Vườn Cam, tỉnh Cao Bằng. Điện thoại: 026.852425 |