Từ một đô thị nghèo, đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, sau 10 năm thành lập, thành phố Kon Tum “thức giấc”, nhanh chóng hình thành dáng vóc đô thị trung tâm, phát triển nơi cực Bắc Tây Nguyên.
Nền tảng vững mạnh
Là một trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước, Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có tiềm năng phong phú để phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng, phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030 với ba tiểu khu Bắc - Trung - Nam, tiến tới hoàn thành hệ thống 117 đô thị vào năm 2030.
Trong đó, tiểu vùng Bắc Tây Nguyên được xác định gồm Gia Lai, Kon Tum giữ vị trí chiến lược trong việc thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại hành lang biên giới giữa 3 nước Đông Dương.
Thành phố Kon Tum giữ vị trí chiến lược tại Tây Nguyên
Từ đây, hàng loạt công trình giao thông trọng yếu được đầu tư và đi vào hoạt động như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14), Quốc lộ 19, Quốc lộ 20, Quốc lộ 28 cùng các cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Pleiku, Liên Khương… nối gần hơn các tỉnh Tây Nguyên với các thành phố lớn.
Đáng chú ý, hệ thống cửa khẩu được chú trọng mở rộng đã hình thành lên vùng Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, tạo điều kiện giao lưu văn hóa cũng như thông thương kinh tế giữa các nước.
Với nỗ lực bứt phá từ các địa phương, những năm qua khu vực Tây Nguyên có sự chuyển mình lớn mạnh và đột phá về kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng năm 2019 của vùng đạt 7,3%, cao hơn so với cả nước, tạo ra bước đệm thuận lợi cho các tỉnh trong vùng trỗi dậy.
Hạt nhân tiềm năng của khu vực
Nằm ở cửa ngõ cực Bắc của “con đường xanh Tây Nguyên”, tại vị trí ngã ba Đông Dương, Kon Tum nắm giữ lợi thế địa lý đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, thành phố Kon Tum nằm bên dòng sông Đắk Bla, được xem là đầu mối kết nối trực tiếp giữa Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, cũng như giao thương với Lào, Campuchia.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2018 về nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Kon Tum đến năm 2035, địa phương này sẽ hướng tới trở thành vùng kinh tế động lực cho toàn Tây Nguyên. Để hoàn thành mục tiêu này, Kon Tum cần có được quy hoạch với không gian đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù, khu sản xuất nông nghiệp hài hòa với không gian cảnh quan đặc trưng.
Qua 10 năm phát triển, thành phố Kon Tum ngày càng cho thấy sức phát triển năng động của một thành phố trẻ, mức tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định, đạt 18,96%/năm trong giai đoạn 2016 - 2018. Kon Tum đang từng ngày cho thấy những lợi thế xứng đáng trở thành trung tâm kinh tế, chính trị mới của khu vực, là điểm đến quan trọng trong tuyến hàng lang kinh tế và thương mại Đông - Tây.
Nhằm hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại II, bên cạnh các công trình giao thông, Kon Tum tiếp tục tập trung kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn để phát triển dịch vụ mang tính cấp thiết, các cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trung tâm thương mại kết hợp nhà phố, các khu du lịch - nghỉ dưỡng.
Khu đô thị FLC Legacy Kontum góp phần đổi thay diện mạo cho Kon Tum
Tiến trình này bước đầu ghi nhận khi một số nhà đầu tư uy tín đã đặt chân tới đây, gần nhất là Tập đoàn FLC với dự án Khu đô thị cao cấp FLC Legacy Kon Tum khởi công giữa tháng 8/2019, hứa hẹn mang tới diện mạo mới đồng bộ và hiện đại cho thành phố trẻ.
Chính sự vận dụng một cách thông minh và sáng tạo quy hoạch xây dựng, phát triển vùng Tây Nguyên đã đưa Kon Tum vươn lên, khẳng định sự giàu có về tiềm năng cũng như tinh thần sẵn sàng đón nhận những vận hội mới. Tất cả giúp định hình nên một vùng đất mới đầy hấp dẫn, thu hút du khách và mở đường cho các nhà đầu tư.
Các chuyên gia nhận định, cùng với việc phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng, giao thông, việc thực hiện đô thị hóa vùng với sự bứt phá của du lịch hứa hẹn sẽ là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư khai phá, từng bước đưa Kon Tum trở thành hạt nhân tiềm năng của khu vực Tây Nguyên.
Như Loan