Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (sau đây xin quy ước viết tắt là KKT) tỉnh Hà Tĩnh thuộc địa bàn huyện Hương Sơn, là khu vực ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giáp với tỉnh Bôlykhămxay – Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. KKT nằm trên đường quốc lộ 8A gắn với cửa khẩu quốc tế Cầu Treo qua nước bạn Lào, cách quốc lộ 1A (Thị xã Hồng Lĩnh) khoảng 45 km, cách đường Hồ Chí Minh 8 km, cách Thị trấn Lạc Xao (Lào) 35 km. Đây là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng trong nước, quốc tế trên hành lang kinh tế Đông- Tây. Khu Kinh tế có tổng diện tích tự nhiên trên 56,5 nghìn ha, dân số trên 2,1 vạn người.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có hệ sinh thái rừng tự nhiên chiếm đến gần 80% diện tích, trong đó rừng nguyên sinh trên 20 ngàn ha; có mỏ thiếc Sơn Kim với trữ lượng 70 ngàn tấn, mỏ nước khoáng nóng Sơn Kim nằm trong vùng quy hoạch khu du lịch Nước Sốt. Diện tích rừng lớn, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn còn mang đậm nét hoang sơ, khí hậu trong lành, là điều kiện thuận lợi để đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, khu vui chơi- giải trí.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành KKT động lực phía Tây của tỉnh, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế- xã hội- an ninh- quốc phòng và thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt- Lào, ngày 19/10/2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg về ban hành Quy chế hoạt động của KKT. Theo đó, các dự án đầu tư vào KKT sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tối đa áp dụng đối với các địa bàn kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của các Luật: Đầu tư, Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các dự án đầu tư vào KKT còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, về tín dụng, về đất đai, nhà ở, phương tiện.... Toàn bộ Khu kinh tế được xác định là Khu phi thuế quan. Các cơ chế, chính sách ưu đãi đó nhằm phát triển sản xuất và các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường; tạo việc làm, thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đô thị miền núi, tạo vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh và bảo đảm an ninh- quốc phòng vùng biên giới. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-TTg ngày 18/12/2007 về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Quyết định số 961/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 khẳng định: Khu kinh tế bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính 04 xã, thị trấn: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn thuộc huyện Hương Sơn với tổng diện tích tự nhiên là 56.685 ha, dự kiến dân số đến năm 2025 là 50.000 người. Đây là một Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm nghiệp; là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh và vùng Bắc Trung Bộ, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, hiện đại, là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế trên hành lang kinh tế Đông Tây. Định hướng phát triển không gian của Khu kinh tế sẽ phát triển các khu chức năng tập trung với cấu trúc không gian phù hợp điều kiện địa hình tự nhiên, địa chất khu vực phía Bắc tuyến đường Quốc lộ 8A. Đồng thời các công trình được phân bố dọc theo những triền núi, triền đồi, kết thúc ở các quảng trường và không gian mở ven sông. Không gian quy hoạch xây dựng phát triển KKT có tổng diện tích là 12.500 ha được quy hoạch thành các khu chức năng kết nối linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển, bao gồm các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu đất công nghiệp, trang trại, các khu du lịch sinh thái, khu công viên cây xanh đô thị, quảng trường công cộng và trung tâm thể dục, thể thao... Trong đó, các khu đô thị có tổng diện tích khoảng 465 ha, được phân bố tại khu vực cửa khẩu (12,5ha), khu vực thị trấn Tây Sơn hiện nay mở rộng ra phía Nam sông Ngàn Phố (225 ha), khu vực cổng B (144,5 ha) và khu vực Đại Kim (83 ha). Theo quy hoạch đợt đầu đến năm 2015, sẽ xây dựng các khu chức năng chính trên khoảng 1.219ha.
Bên cạnh đó, các đồ án Quy hoạch chi tiết các Khu chức năng đã được UBND tỉnh phê duyệt và hiện nay đang được triển khai xây dựng, gồm Quy hoạch Khu vực cổng B (13ha), Khu công nghiệp Đại Kim (26ha), Đồ án Quy hoạch chi tiết (điều chỉnh) khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Quy mô 25,4ha) và Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại và đô thị sinh thái Đá Mồng (Quy mô 490ha) đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Với những ưu thế sẵn có và các chính sách ưu đãi của Chính phủ, sự quyết tâm của Hà Tĩnh nói chung, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Huyện ủy, chính quyền và nhân dân huyện Hương Sơn nói riêng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang mở ra một môi trường rất thông thoáng, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Trở lại với giai đoạn mở đầu xây dựng KKT:
Trước năm 1998, KKT còn là khu vực hoang sơ, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, hay có lũ quét về mùa mưa bão. Trình độ dân trí và mức thu nhập trên đầu người của nhân dân tại khu vực còn ở mức thấp, chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Tuy nhiên, với lợi thế nằm trên quốc lộ 8A qua biên giới Việt - Lào, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế– xã hội, giữ gìn an ninh- quốc phòng của tỉnh Hà Tĩnh, các tỉnh Bắc miền Trung và phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Lào, Thái Lan và Mianma. Ngày 15/9/1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 177/1998/QĐ/TTg cho áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (được ưu tiên phát triển thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch và công nghiệp theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế).
Kể từ khi thành lập (năm 1998), sau gần 10 năm thực hiện Quyết định số 177/1998/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ (đến năm 2007), với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ là 297,196 tỷ đồng, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 70 công trình, dự án với tổng mức đầu tư gần 350 tỷ đồng bao gồm các dự án về quy hoạch; y tế – giáo dục – văn hóa; giao thông – thủy lợi; công sở – nhà làm việc; về thương mại và các dự án hạ tầng kỹ thuật khác. Việc áp dụng một số chính sách ưu đãi tại Quyết định số 177/1998/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi bộ mặt của Khu vực cửa khẩu. Đời sống kinh tế, trình độ dân trí của người dân trong khu vực được nâng cao, hoạt động kinh doanh- buôn bán trong khu vực đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, với nguồn vốn đầu tư hàng năm còn quá thấp (trung bình gần 30 tỷ/năm) chủ yếu đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng nhằm phát triển về mặt xã hội, chưa có hạ tầng các khu chức năng để kêu gọi đầu tư, hoạt động kinh doanh tại khu vực chủ yếu còn mang tính chất buôn bán nhỏ lẻ.
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp đường Quốc lộ 8A, đầu tư xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh với đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc- Nam tạo nên một hệ thống giao thông kết nối là điều kiện để khai thác lợi thế của Khu kinh tế Vũng Áng, đô thị Thành phố Hà Tĩnh, mỏ sắt Thạch Khê và các khu kinh tế khác của tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những thuận lợi lớn để phát huy hành lang kinh tế Đông Tây và vùng Đông bắc Thái Lan; thông qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng của tỉnh Hà Tĩnh là cửa ngõ ngắn nhất để nước bạn Lào cũng như các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng hướng ra biển Đông và phát triển quan hệ với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc. KKT nằm giữa trung tâm của nhiều mối liên kết giao thông xuyên lục địa Đông-Tây và xuyên đại dương đầy tiềm năng, đóng vai trò rất quan trọng trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đây là vùng kinh tế quá cảnh cho 8 tỉnh, 3 nước sử dụng Quốc lộ 8A, xuyên suốt các huyện từ Hương Sơn, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân- Hà Tĩnh và giáp với Thành phố Vinh (Nghệ An).
Tính đến cuối năm 2011, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 96 dự án hạ tầng trong Khu kinh tế với tổng mức đầu tư 1739 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư này đã biến khu kinh tế với cơ sở hạ tầng từ vùng khó khăn về giao thông, thiếu thốn các công trình thiết yếu như: Trường học, bệnh viện, trạm xá… nay đã hình thành một đô thị khang trang, hệ thống giao thông đến tận các xã, thôn và khối phố trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh nơi biên giới…
Tổng hợp số liệu ngân sách được cấp trong các năm qua:
+ Trong 8 năm, kể từ năm 1999 – 2007, tổng số là 314,5 tỷ đồng, được sử dụng để duy trì hoạt động và đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế.
+ Trong 03 năm kể từ khi có Quyết định 162/2007/QĐ-TTg, tổng số vốn ngân sách đầu tư cho Khu kinh tế là 246,015 tỷ đồng (Năm 2008: 23,127 tỷ đồng; Năm 2009: 38,362 tỷ đồng; Năm 2010: 184,526 tỷ đồng) được sử dụng để duy trì hoạt động và thực hiện đầu tư trên 50 công trình, dự án để phát triển kinh tế - xã hội trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
+ Trong năm 2011, tổng kinh phí được cấp cho Ban quản lý KKT là 156,127 tỷ đồng và được sử dụng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình chỉnh trang khu vực cửa khẩu, khu hành chính tại Cổng B và các công trình Hạ tầng khu thương mại, khu công nghiệp.
DANH SÁCH CÁC NHÀ ĐẦU TƯ HIỆN NAY
1. Công ty cổ phần thủy điện Hương Sơn.
2. Công ty TNHH một thành viên Việt Thái.
3. Công ty cổ phần đầu tư CK Việt Nam.
4. Công ty cổ phần đầu tư phát triển Việt – Lào (VLI).
5. Công ty cổ phần đầu tư thương mại VCT.
6. Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn.
7. Công ty cổ phần nước khoáng và du lịch Sơn Kim.
8. Chi nhánh Công ty TNHH 1 TV du lịch Trường Sơn - COECCO.
9. Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp xanh.
10. Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh.
MỘT SỐ NHÀ ĐẦU TƯ MỤC TIÊU
1. Tổng công ty xây lắp dầu khí Nghệ An (thuộc Tập đoàn Dầu khí).
2. Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Hà Nội.
3. Công ty Tập đoàn Hoành Sơn.
4. Công ty cổ phần Thái Phát Đạt.
5. Công ty cổ phần vận tải & DV Petrolimex Nghệ Tĩnh.
6. Công ty cổ phần đầu tư phát triển Ka Ước.
7. Công ty cổ phần ô tô Việt – Dubai.