Tăng trưởng xuất khẩu da giày năm 2016 đạt mức tăng trưởng "thấp bất ngờ" nếu so với các năm trước.
Ngành da giày từ nhiều năm nay đã là một ngành giúp cho xuất khẩu Việt Nam được "nở mày nở mặt" trên trường quốc tế. Có thể kể đến nhiều con số thống kê về ngành ví dụ như từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức trở thành nước xuất khẩu da giày lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Sản phẩm giày dép của Việt Nam cũng đã xuất khẩu tới gần 50 nước. Tại các thị trường chính là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và chỉ chịu đứng vị trí thứ 2 sau hàng Trung Quốc.
Thế nhưng, năm 2016 này, da giày Việt Nam lại phải đang lâm vào cảnh khó khăn nhất trong nhiều năm. Đứng đằng sau sự khó khăn ấy chính là việc ngành công nghiệp da giày nước ta đã làm đánh mất nhiều lợi thế "vàng" của mình.
Giống như dệt may, da giày cũng đang “buồn” nhất trong vòng nhiều năm qua
Trong những phân tích và báo cáo ngành, người ta thường rất hay đặt ngành may dệt may và da giày gần nhau do ở Việt Nam, 2 ngành này có khá nhiều điểm tương đồng (thứ hạng trong bảng xếp hạng giá trị xuất khẩu quốc gia, đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu…).
Vào năm 2016 này, 2 ngành này dường như lại đã có một điểm tương đồng khác: Nếu như dệt may đang ở vào thời kỳ khó khăn nhất trong vòng một thập kỷ qua thì xuất khẩu da giày cũng đang đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong suốt từ năm 2012 đến 2015, xuất khẩu da giày tăng trưởng phi mã, cứ năm sau thì đạt mức tăng trưởng 2 chữ số so với năm trước: Năm 2013, tăng trưởng xuất khẩu đạt 16%; năm 2014 đạt 23% còn năm 2015 cũng đạt 16%.
Tăng trưởng xuất khẩu da giày năm 2016 thấp nhất trong nhiều năm
Thế nhưng bất ngờ đến năm 2016 này, tổng giá trị xuất khẩu da giày tính đến thời điểm ngày 15/12/2016 chỉ đạt 12,3 tỷ USD. So với con số 12,01 tỷ USD của cả năm 2012 (chênh lêch nửa tháng cuối năm là không đáng kể), Việt Nam chỉ xuất khẩu da giày gia tăng thêm có 2% sau một năm, kém rất xa những mức tăng trưởng của các năm trước.
Vì đâu mà đến nỗi ?
Từ tăng trưởng phi mã giảm không phanh về mức 2%, câu hỏi đặt ra là tại sao ngành da giày lại rơi vào tình cảnh như vậy ?
Nguyên nhân chính trước tiên chính là do lợi thế về giá nhân công đã “đến ngưỡng”, lợi thế về thuế cũng mất đi đã khiến cho da giày Việt Nam không còn có có thể cung cấp các đơn hàng với giá rẻ nữa. Thay vào đó, các đối tác nước ngoài chọn những quốc gia đang sở hữu lợi thế này hơn chúng ta là Campuchia, Myanmar hay Bangladesh.
Trong một tờ báo xuân mới ra, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng và dự báo lợi thế của Việt Nam ở hai ngành dệt may và giày da chỉ giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định, có thể không lâu hơn năm 2019.
Trước hết phải nói rằng, xuất khẩu da giày Việt Nam vẫn được mệnh danh là “lượng nhiều nhưng chất ít”, “đóng góp ít và chuỗi giá trị toàn cầu”. Câu nói này ám chỉ việc chúng ta đa phần sử dụng nhân công giá rẻ làm giá trị đơn hàng giảm xuống, qua đó thu hút được nhiều hơn các đơn hàng từ nước ngoài về. Trong nhiều năm, đây là lợi thế hàng đầu đưa da giày trở thành mặt hàng xuất khẩu luôn thuộc top 4 những hàng hóa xuất khẩu chủ lực.
Nhưng giờ đây, lợi thế này đã không còn nữa. Theo những số liệu gần nhất từ Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, vào thời điểm năm 2015, chi phí mà một doanh nghiệp da giày phải trả khi sử dụng một nhân công đã lên đến 6,5 – 7 triệu đồng/tháng.
Nếu so sánh con số này với mức thu nhập người lao động trong ngành da giày kiếm được ở các quốc gia như Campuchia, Myanmar hay Bangladesh thì có thể thấy người lao động Việt Nam nhận mức lương cao hơn nhiều. Điều đó có thể được hiểu rằng, chúng ta đã đang dần đánh mất lợi thế nhân công giá rẻ.
Chi phí nhân công tăng lên có nghĩa là giá thành đơn hàng cũng tăng lên. Vì điều này, không bất ngờ khi doanh nghiệp Việt phải cay đắng chứng kiến các đối thủ “cướp trắng” đơn hàng, kể cả từ các đối tác truyền thống.
Chưa hết, so với các đối thủ hàng đầu lúc này như Campuchia, Lào, Bangladesh, Việt Nam còn chịu thua thiệt khá nhiều ở vấn đề thuế.
Tất cả các nước này đều thuộc các “nền kinh tế nghèo”, vì thế đều được nhận thuế xuất giày da sang hai thị trường chính lớn là Mỹ và châu Âu ở mức ưu đãi.
Trong khi đó, Việt Nam còn phải chờ những hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay TPP có hiệu lực vào năm 2018 (chưa kể chuyện TPP khó thông qua hơn khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ) thì mới nhận được ưu đãi thuế. Cho đến lúc này, da giày Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế 12% khi vào Mỹ và từ 10% khi vào EU.
Chiến Thắng
Theo Trí Thức Trẻ