Cú sốc thiếu nguồn cung nguyên liệu chưa qua, thì cú sốc cầu trì trệ đã ập tới, khiến rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) điêu đứng.
Công ty Ford phải tạm dừng hoạt động tại nhà máy ở Hải Dương vì dịch Covid-19. Ảnh: Đức Thanh
Điêu đứng vì Covid-19
Công ty TNHH May Mayfair (Hồng Kông) hiện có một nhà máy may ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Thái (Hải Dương), với 805 lao động. Ông He Bin, Phó tổng giám đốc Mayfair cho biết, khi dịch Covid-19 lan rộng, khách hàng của Mayfair phần đông đến từ Mỹ và EU, đã tạm dừng các đơn hàng đã được lên kế hoạch sản xuất trong tháng 3 và các tháng tiếp theo, đồng thời, kéo dài thời hạn thanh toán từ 45 ngày lên 90 ngày đối với các đơn hàng đã bán.
Điều đó buộc Mayfair phải cho công nhân ở một số bộ phận nghỉ việc, hoặc làm việc luân phiên, kể từ ngày 24/3 tới ngày 13/4 hoặc 24/4.
Nhưng dù sao, Mayfair còn lên được kế hoạch hoạt động bình thường trở lại, mặc dù kế hoạch này rất dễ bị “phá sản”, bởi hiện tại, bệnh dịch đang lan rộng hơn nữa ở Mỹ, châu Âu. Với Ford Motor, cũng có nhà máy ở Hải Dương, đã phải dừng tất cả các hoạt động sản xuất từ ngày 26/3 và chưa định ngày hoạt động trở lại. Ford đã không chỉ phải tạm dừng hoạt động nhà máy ở Việt Nam, mà các nhà máy khác của tập đoàn này ở Ấn Độ, Thái Lan, Nam Phi cũng đã buộc phải tạm đóng cửa, chỉ vì dịch Covid-19.
Trong khi đó, Công ty May Tinh Lợi (tại Hải Dương) đang phải vật lộn để lo việc làm và ổn định đời sống cho 22.000 công nhân, bởi hiện tại không chỉ thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng, mà Công ty còn phải gồng mình để lo cho đủ đơn hàng.
Cũng tại Hải Dương, Công ty Best Pacific, chuyên sản xuất - kinh doanh vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất. Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, số đơn hàng của Best Pacific đã giảm tới 50%.
“Do dịch bệnh diễn biến căng thẳng, nhiều nước đóng cửa biên giới, không nhập hàng hóa, khiến sản phẩm của chúng tôi làm ra không thể xuất đi đúng lịch, hàng bị ùn ứ, lại không có nơi bảo quản sản phẩm đúng quy định, dẫn tới chất lượng sản phẩm và lợi nhuận của Công ty bị ảnh hưởng”, đại diện Công ty Best Pacific cho biết.
Trong khi đó, ở Bình Dương, Daily Full International Printing (Vietnam) Co., Ltd, chuyên sản xuất các loại giấy in mã vạch, nhãn decal, bao thư…, cũng đang gặp khó khăn rất lớn vì không có đơn hàng, tạm thời cho 50% lao động được nghỉ chờ việc, hưởng 70% lương.
Tương tự, Siemens Limited Vietnam dự kiến bị ảnh hưởng tới 20% doanh thu, do sản xuất - kinh doanh gặp khó. Các công ty Cao su Kenda Việt Nam, Cicor Anam Ltd, Starite, Pousung Việt Nam… cũng không khác hơn bao nhiêu. Danh sách doanh nghiệp FDI đang điêu đứng vì Covid-19 đã và đang mở rộng ra khắp cả nước. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, mà các doanh nghiệp lớn cũng bị ảnh hưởng.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, ngay cả LG, Foxconn, Samsung, Apple… cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ vì Covid-19. Apple đã phải hoãn dự kiến tăng số lượng đơn hàng sản xuất tại Việt Nam. Còn Nike ước tính, có khoảng 10 triệu đôi giày và hàng may mặc bị chậm sản xuất tại Việt Nam và Indonesia.
Tìm biện pháp gỡ khó
Sẽ thật khó để tìm lối ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng. Các “đại gia” như Apple, Nike, Walmart, Uniqlo, Samsung… đã phải lần lượt đóng các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, như Tây Ban Nha, Canada, Australia, New Zealand...
Các cửa hàng buộc phải đóng cửa, sức tiêu thụ giảm sút mạnh, nên các đơn hàng từ Mỹ, từ châu Âu - các thị trường lớn của Việt Nam - đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù cả phía Mỹ và phía EU đều khẳng định, không cấm nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, song rõ ràng, ở thời điểm này, quyết định nằm ở phía doanh nghiệp, những nhà nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì dịch bệnh, các đơn hàng không dễ được thông quan đã đành, mà quan trọng hơn hết là vì dịch bệnh, người tiêu dùng toàn cầu có xu hướng giảm bớt mua sắm, thắt chặt chi tiêu. Bởi thế, nhiều đơn hàng đã bị hủy.
Theo dự báo của Bộ Công thương, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự báo giảm 6 - 8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2020.
Thực tế, không phải đợi đến quý II, mà ngay từ quý I/2020, xuất khẩu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI trong quý I/2020 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi chỉ mong muốn các cơ quan kiểm tra tạm ngừng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra sang năm sau để dồn sức lo việc làm cho 22.000 công nhân”, đại diện Công ty May Tinh Lợi đề xuất.
Còn Công ty Meijitsu Việt Nam thì cho biết, Công ty đang phải tìm kiếm thêm các đơn hàng để lo việc làm cho nhân viên. Vì thế, đề nghị các cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, như giãn nợ thuế, hạn chế thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp tập trung lo sản xuất.
Ngay cả “đại gia” Piaggio, mặc dù quý I/2020 sản xuất chưa bị ảnh hưởng, vẫn đạt doanh thu trên 76 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ, cũng cho rằng, sang quý II/2020 sẽ bị ảnh hưởng và đề xuất việc giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội… Theo Piaggio, hiện tại, Công ty đã phải chi thêm khoảng 200.000 USD chi phí vận chuyển do không có đơn hàng từ Trung Quốc, mà phải nhập hàng từ nơi khác.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã đề xuất các cơ quan chức năng cho phép áp dụng thủ tục thông quan nhanh đối với nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất trong thời gian có dịch. Đồng thời, dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra trong thời gian có dịch để doanh nghiệp tập trung sản xuất - kinh doanh, phục hồi hoạt động sau tác động của dịch bệnh, trừ trường hợp có nghi vấn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên 59 tỷ USD, khu vực FDI (bao gồm cả dầu thô) đóng góp 40,43 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Đây là điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm nay, bởi kim ngạch xuất khẩu của khu vực này luôn tăng trưởng cao, cao hơn khu vực trong nước. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp FDI đang thực sự chịu “đòn đau” của Covid-19.