Để kích cầu du lịch, một trong những giải pháp được đề xuất là phát triển các dịch vụ casino, vui chơi có thưởng trong các khách sạn, khu du lịch ở Việt Nam. Để phát triển dịch vụ này, có thể xem xét thành lập Hội đồng quốc gia về hoạt động vui chơi có thưởng.
Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) trong văn bản gửi lên Chính phủ “hiến kế” các biện pháp phục hồi kinh tế đã đề xuất việc phát triển các dịch vụ casino, vui chơi có thưởng.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về việc nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch trong nước và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế khi một số nước đã dập tắt dịch, việc phát triển du lịch vui chơi có thưởng trên cơ sở tiềm năng sẵn có với hệ thống giải pháp đồng bộ.
Lý giải của VAFIE, hoạt động casino, vui chơi có thưởng hiện được thực hiện ở 43 khách sạn lớn nhỏ và các khu nghỉ dưỡng có casino. Từ khi ban hành khung khổ pháp lý đầy đủ, thị trường casino, trò chơi điện tử có thưởng tăng trưởng đều qua các năm, quy mô thị trường hiện nay gấp 2 lần so với trước khi ban hành Nghị định.
Tuy vậy, hiệu quả kinh tế - xã hội của lĩnh vực này chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng đã được tạo ra. Nguyên nhân chủ yếu là do đây là lĩnh vực nhạy cảm, nên chưa có sự thống nhất về quan điểm, nhận thức trong thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Chưa kể, luật pháp chung còn chưa tiếp cận được thông lệ quốc tế để điều chỉnh có hiệu quả hoạt động vui chơi có thưởng.
Và quan trọng không kém, là lĩnh vực casino, vui chơi có thưởng do Bộ Tài chính quản lý, nhưng nguồn lực có hạn nên dẫn tới chậm trễ trong việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều chỉnh hoạt động, theo dõi hướng dẫn, thanh tra kiểm tra để phát hiện kịp thời các vấn đề cần giải quyết…
Từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ Australia, Singapore - đất nước đã sử dụng hành lang pháp lý một cách có hiệu quả để gặt hái những lợi ích của ngành cờ bạc trong khi giảm thiểu tác hại của nó ở mức thấp nhất, VAFIE cho rằng, cần hoàn thiện thể chế cũng như hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Cụ thể, về thể chế, theo VAFIE, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp có liên quan đến hoạt động vui chơi giải trí có thưởng theo hướng tiếp cận thông lệ tiên tiến của quốc tế để bảo đảm hành lang pháp lý ổn định, công khai, minh bạch nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân người Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế.
Về quản lý Nhà nước, theo VAFIE, có hai mô hình là thành lập Hội đồng Quốc gia về hoạt động vui chơi có thưởng (theo mô hình của Singapore) hoặc cho phép UBND tỉnh, thành phố cấp phép, quản lý và giám sát hoạt động giải trí vui chơi có thưởng (mô hình của Australia).
“Trong điều kiện của nước ta hiện nay để quản lý hoạt động vui chơi có thưởng đúng hướng và thống nhất trên toàn quốc thì nên chọn mô hình thứ nhất”, VAFIE bày tỏ quan điểm.
Cụ thể, về mô hình thứ nhất, VAFIE cho rằng, có thể thành lập Hội đồng quốc gia về hoạt động vui chơi có đặt tại Văn phòng Chính phủ do một Phó thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng, có thành viên là đại diện các Bộ, ngành và Hiệp hội nghề nghiệp có liên quan đến lĩnh vực này, có các bộ phận giúp việc gồm chuyên gia pháp lý, tâm lý, xã hội học.
Hội đồng này có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, lập pháp đến tổ chức quản lý hoạt động vui chơi có thưởng: thẩm định và cấp phép cho các dự án đầu tư và kinh doanh, hướng dẫn việc thực hiện đúng pháp luật, theo dõi, kiểm tra, thanh tra để xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh nhằm giảm thiểu các vấn đề tiêu cực về kinh tế xã hội.