Tháng 5-2020, du lịch TPHCM vẫn đình đốn vì đại dịch. Ngành du lịch chuẩn bị tung ra chương trình kích cầu lớn cho khách trong nước để bù đắp phần nào phần thiệt hại do vắng khách quốc tế.
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nghiệp cho rằng, so với các địa phương khác, TPHCM sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện các chương trình kích cầu du lịch. Để có thể kích cầu nội địa hiệu quả, thành phố phải nhắm đến những phân khúc khách hàng và dịch vụ khác.
Doanh thu dịch vụ lữ hành, ăn uống và lưu trú của TPHCM suy giảm trong tháng 5-2020. Đồ họa: Đào Loan
Một tháng mất hàng ngàn tỉ đồng vì đại dịch
Theo số liệu từ Cục Thống kê TPHCM, tháng 5-2020, mảng dịch vụ lữ hành của TPHCM đã có doanh thu trở lại nhưng chỉ được 55 tỉ đồng, một con số thấp không tưởng của địa phương có vị trí là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước.
Mảng dịch vụ ăn uống, lưu trú cũng không khá khẩm hơn là bao, vẫn giảm hơn 63% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả thành phố chỉ thu được 3.323 tỉ đồng từ mảng dịch vụ này trong khi cùng kỳ năm ngoái là 8.711 tỉ đồng.
Hàng loạt công ty lữ hành, khách sạn vẫn đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Những hoạt động khởi động lại thị trường nội địa từ hồi đầu tháng chưa đủ để doanh nghiệp có thể đủ chi phí vận hành.
"Lượng khách trong nước mua tour, dịch vụ vẫn còn rất ít. Khách quốc tế vẫn chưa thể đến và không biết khi nào có thể đến nên tình hình ngày càng khó hơn", ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour nói.
Nhiều khách sạn vẫn mở cửa với công suất bình quân chỉ trên dưới 10%. Số lượng khách sạn nhỏ thông báo sang nhượng, rao bán ngày càng nhiều. Kỳ vọng cho những tháng tới không mấy sáng sủa vì thị trường quốc tế vẫn đóng.
"Chúng tôi đã đóng cửa một phần khách sạn. Đến hết tháng 6 này, quỹ dự phòng cũng cạn trong khi doanh số không cải thiện bao nhiêu", một doanh nhân kinh doanh khách sạn (không muốn nêu tên) nói.
Theo Sở Du lịch TPHCM, trong tháng 5-2020, không có khách quốc tế mới đến thành phố. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, tổng số khách quốc tế chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 63,17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước khó khăn này, ngành du lịch đang tìm cách kích du lịch nội địa. Dự kiến ngày 9-6 tới sẽ tổ chức hội nghị phát động chương trình với thông điệp "TPHCM - Điểm đến an toàn" cùng hàng loạt gói khuyến mãi, giảm giá của doanh nghiệp du lịch và liên quan đến du lịch tại thành phố.
Lượng khách quốc tế và nội địa đến TPHCM tăng trưởng đều đặn trong những năm qua. Đồ họa: Đào Loan
Cần hướng đi khác
Từ nhiều năm nay, TPHCM luôn đóng vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước. Lượng khách quốc tế đến TPHCM luôn chiếm khoảng 50% hoặc cao hơn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Thành phố cũng là nơi tập trung những công ty lữ hành lớn của cả nước và là nơi cung cấp nguồn khách du lịch nội địa lớn, là nơi để nhiều tỉnh, thành đến tiếp thị kéo khách.
Trong khủng hoảng suy giảm khách vì Covid-19, TPHCM bị ảnh hưởng chậm hơn các địa phương khác, đặc biệt là chậm hơn các địa phương có điểm du lịch biển nhưng hiện tại thì lại khó khăn hơn vì nguồn khách chính từ thị trường quốc tế, từ các sự kiện hội họp, giao thương bị đình trệ.
Khi mất mảng quốc tế, nhiều địa phương đã thúc đẩy du lịch nội địa. Một số nơi, đặc biệt là những điểm du lịch biển đã đón được khá nhiều khách trong thời gian qua nhờ các chương trình giảm giá, kích cầu thúc đẩy khách hàng đi du lịch.
Tuy nhiên, với TPHCM, nơi không có lợi thế lớn về danh thắng, cảnh quan, bãi biển đẹp... việc thu hút khách nội địa khó hơn. Theo nhiều doanh nghiệp, việc giảm giá các dịch vụ, tour trọn gói khám phá thành phố kiểu thông thường như các điểm đến khác đang thực hiện chưa chắc là sẽ có tác dụng tốt.
TPHCM cần phải nghiên cứu phân khúc khách hàng ưu tiên để đưa ra những gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi cùng chương trình tiếp thị dành cho phân khúc đó thì kích cầu mới có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hữy Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, phân khúc khách hàng là thanh niên, nhóm khách gia đình có thu nhập tốt tại các địa phương là hai nhóm khách cần được ưu tiên. Kế đó, là lượng khách quan trọng từ chính những người dân đang sinh sống ở thành phố.
Với khách thanh niên có thu nhập tốt từ các địa phương, có thể đưa ra các dịch vụ như ở khách sạn 4, 5 sao; ban ngày mua sắm, cà phê; tối khám phá TPHCM về đêm, giải trí ở vũ trường, quán bar...
Với nhóm này, có thể quảng bá thành phố như là một nơi phải đến để trải nghiệm những dịch vụ "hợp thời" của giới trẻ, cho những khách về thành phố để check-in các điểm nổi tiếng mà khách trẻ TPHCM đang check-in...
Với khách gia đình, cần giảm giá vào cổng các công viên, khu giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên, Sở Thú, Kid city, Vietopia để các gia đình ở tỉnh cũng như ở TPHCM có thể đến vui chơi vào dịp hè tới.
Kế đó là, giảm giá hoặc đưa ra những gói du lịch (combo) 2 ngày 1 đêm ăn nghỉ ở khách sạn 5 sao cho gia đình tại TPHCM có thu nhập tốt vào ăn nghỉ, bơi lội, thư giãn.. giống như đi resort ở biển. Loại hình này còn được gọi là staycation, để người dân thành phố chưa muốn đi du lịch xa có thể có chuyến du lịch ngay tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc An của Lữ hành Fiditour cũng có ý kiến tương tự, cho rằng việc khuyến khích người dân TPHCM khám phá các dịch vụ du lịch ngay tại thành phố là ý kiến hay.
"Không nhiều người Sài Gòn biết các dịch vụ khách sạn 4,5 sao ở thành phố cho nên cung cấp các gói dịch vụ này với giá thấp sẽ có thể kéo được khách", ông nói.
Theo ông, một số đồng nghiệp trong ngành du lịch thậm chí còn tính đến việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa với phía hàng không, khách sạn để đưa ra các gói khuyến khích người từ các tỉnh đến TPHCM.
Trong đó, tính đến các gói khuyến mãi cho phép khách chỉ cần mua vé máy bay đến thành phố là sẽ được miễn phí 1, 2 đêm phòng ở khách sạn hoặc một số dịch vụ khác.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting, có hai dịch vụ có thể đẩy mạnh trong giai đoạn này là trải nghiệm mua sắm hàng hiệu với giá tốt thông qua chương trình khuyến mãi lớn và trải nghiệm dịch vụ cao cấp với giá phải chăng.
"Hiện tại, TPHCM gặp khó hơn so với các điểm đến. Đây là giai đoạn ngành du lịch cần tìm hiểu kỹ hơn về khách nội địa, chỉ khi biết họ là ai, họ cần gì thì mới thực hiện được chương trình kích cầu hiệu quả", ông nói.