Các gói kích thích kinh tế mới và sự phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đang tạo cơ hội lớn để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu.
Đây chính là một bộ phận quan trọng của “cỗ xe tam mã” thúc tăng trưởng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp FDI như Samsung, Foxconn… đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu của cả nước. Trong ảnh: Sản xuất tại nhà máy của Samsung Việt Nam.
Cỗ xe xuất khẩu tăng tốc
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố hôm 12/3, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 95,85 tỷ USD, tăng 24,6% (tương ứng tăng 18,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,74 tỷ USD, tăng 23,7% (tương ứng tăng 9,35 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020 - một kết quả có thể nói là rất tích cực trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề tới thương mại toàn cầu.
Cũng cần phải nói rằng, xuất khẩu 2 tháng đầu năm có tốc độ tăng trưởng cao cũng có phần “nhờ” năm ngoái, xuất khẩu tăng trưởng thấp hơn, đạt 39,08 tỷ USD, tăng 8,4% - do bắt đầu chịu ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, “cỗ xe” xuất khẩu đang vận hành trơn tru và tăng tốc còn bắt nguồn từ việc Việt Nam tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, cũng như cơ hội từ sự phục hồi của các nền kinh tế trên toàn cầu.
Hai tháng đầu năm ngoái, Covid-19 mới ảnh hưởng tới việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là chính. Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh sang các thị trường đã chứng tỏ nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.
“Nửa đầu năm ngoái, khi kinh tế toàn cầu đình trệ, xuất khẩu của Samsung Việt Nam đã bị sụt giảm. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện tử tăng trở lại đã giúp cho việc sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của chúng tôi dần có dấu hiệu hồi phục”, ông Choi Joo Hoo, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói. Cũng theo ông Choi Joo, năm 2020, bất chấp những khó khăn về thị trường, Samsung vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 57 tỷ USD, đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (282,65 tỷ USD).
Hai tháng đầu năm nay, nỗ lực của Samsung cũng như của hàng loạt doanh nghiệp khác, nhất là trong lĩnh vực điện tử, máy tính, như Foxconn, Luxshare, LG, Goertek… đã góp phần quan trọng giúp xuất khẩu của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu
Sự phục hồi trong xuất khẩu của Việt Nam là khá rõ nét. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc các nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng phục hồi sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Mỹ là một ví dụ điển hình. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này được dự báo tăng trưởng 2% trong quý I/2021, 4,7% trong quý II và khả năng đạt mức 4,4% cả năm (sau khi giảm 3,5% trong năm 2020). Chưa kể, việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa thông qua gói kích thích kinh tế lên tới 1.900 tỷ USD - được cho là cũng sẽ mang tới những lợi ích cho kinh tế Việt Nam.
Trong một báo cáo vừa được công bố, ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital cho biết, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1/2021 đã tăng mạnh so với dự kiến - lên tới 5,3%, thay vì “âm” 1% của tháng trước. Việc này cũng sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng nhanh, khi mà nhu cầu hàng hóa “made in Vietnam” của người Mỹ gia tăng.
“Soi” danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm, cũng có thể thấy, nhiều mặt hàng tăng khá mạnh. Thậm chí, xuất khẩu sản phẩm máy móc, thiết bị phụ tùng đã lên tới trên 2,7 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 952 triệu USD…
Không chỉ Mỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 6 quốc gia lớn nhất ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) nhiều khả năng sẽ có sự phục hồi tích cực trong năm 2021. Tương tự, kinh tế Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang hồi phục nhanh chóng. Chỉ có khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản còn khó khăn, nhưng xu hướng tích cực cũng đã xuất hiện.
Đó chính là cơ hội để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu, cũng như được dự báo sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực trong năm nay. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tới đây, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trên cơ sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến Covid-19 tại các thị trường đối tác; đồng thời rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu; tận dụng cơ hội để thúc đẩy cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường.
“Cũng cần chủ động nghiên cứu các thay đổi chính sách thương mại của các đối tác lớn và có tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Liên quan vấn đề này, thông tin mới đây về việc xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ vào thị trường UAE là điều đáng chú ý. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt xấp xỉ 737 triệu USD trong 2 tháng qua, tăng tới gần 60% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, ở một góc độ khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cảnh báo những rủi ro mà Việt Nam có thể đối mặt khi xuất khẩu tăng nhanh. Đó là, có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… không chỉ ở thị trường Mỹ.
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Mỹ tăng tới 38,2%, sang Trung Quốc tăng 54,3%, sang EU tăng 22,7%, sang ASEAN tăng 6,2%, sang Hàn Quốc tăng 16,8%... |