Với ngành công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên là dầu và khí đã giúp cho PVN có khối tài sản khổng lồ với tỷ trọng tiền hơn 20% tổng tài sản đã khiến cho PVN đối mặt với rủi ro thất thoát trong quản lý nguồn lực công.
Ảnh minh họa. |
“Năng lượng cho phát triển đất nước”
Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty con (Tập đoàn PVN) được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên theo Quyết định năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định chuyển đổi Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu từ ngày 1/07/2010. Vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi là 177.628,4 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2010, PVN có gần 30 công ty con và hơn 60 công ty liên kết, gần 20 công ty liên doanh với tổng tài sản hợp nhất gần 466.060 tỷ đồng, trong đó ngành nghề “hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm" được xếp vào nhóm hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất PVN |
Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2016, Tập đoàn PVN tập trung vào 5 lĩnh vực hoạt động chính gồm: Tìm kiếm, Thăm dò, Khai thác dầu khí; Lọc - hóa dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Các ngành nghề tài chính, ngân hàng, bất động sản….được xếp vào nhóm ngành nghề có liên quan. Cùng với thay đổi nói trên tỷ trọng đầu tư tài chính ngắn và dài vào các công ty so với tổng tài sản đã giảm, đặc biệt là đầu tư tài chính ngắn hạn.
Đúng như slogan “năng lượng cho phát triển đất nước” của mình, PVN đang đóng góp khoảng 20% có năm lên đến 30% cho nguồn thu ngân sách nhà nước, trở thành Tập đoàn có đóng góp lớn nhất vào GDP và ngân sách quốc gia. Chỉ tính riêng lợi nhuận, bình quân giai đoạn 2010 - 2015, PVN tạo ra 2 tỷ USD lợi nhuận ròng/năm.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất |
“Kiếm tiền” không khó đã đẩy PVN sang ngã rẽ
Khởi nguồn của PVN là hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, đồng nghĩa rằng doanh thu và lợi nhuận của PVN phụ thuộc lớn vào khai thác tài nguyên dầu/khí và giá dầu trên thế giới, cũng như ngành công nghiệp chế biến tài nguyên khai thác. 5 nhóm ngành hoạt động chính của PVN đóng góp từ 65% đến hơn 80% doanh thu, tăng dần do việc thu hẹp hoạt động đầu tư ngoài ngành của PVN.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất PVN |
Doanh thu bình quân khoảng 15 tỷ USD, lãi ròng bình quân 2 tỷ USD, với số dư tiền chiếm khoảng 20 -30% tổng tài sản, đội ngũ lao động chất lượng cao cho thấy sản xuất kinh doanh ở PVN không khó nhưng rất dễ xảy ra các vấn đề liên quan đến chủ sở hữu – Nhà nước và người quản lý/thừa hành - lãnh đạo của PVN trong quản lý nguồn lực, đặc biệt trong các quyết định đầu tư ngoài ngành.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh chính, PVN thể hiện “năng lực” của một tập đoàn kinh tế hùng mạnh trong lĩnh vực tài chính, khi IPO đúng “thời điểm” một loạt các công ty thành viên như PET, PTSC (PVS), PVTrans (PVT), Bảo hiểm Dầu khí (PVI), Đạm Phú Mỹ (DPM), Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC),… đã mang về cho PVN tới 23.000 tỷ đồng trong đó thặng dư vốn 18.800 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, PVN đã IPO Bảo hiểm Dầu khí (PVI) với giá đấu thành công hơn 160.000 đồng/cổ phần vào thời điểm VN-Index ở mức 750 điểm, hay IPO PVFC đúng thời VN-Index đạt 1.092 điểm với giá trúng bình quân gần 70.000 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, PVFC đã khoác lên mình một diện mạo ngân hàng mới, câu chuyện PVN mất trắng 800 tỷ đồng đã đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) khi chuyển giao phần vốn góp của mình cho Ngân hàng Nhà nước với giá 0 đồng đã hé lộ phần nào bức tranh sinh động về quản lý nguồn lực công tại PVN.
Báo cáo giám sát tài chính năm 2014 của PVN khẳng định việc đầu tư ra bên ngoài của PVN hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến “gã khổng lồ” Morgan Stanley International Holding Inc. (Hoa Kỳ) cũng bị đốn ngã trong thương vụ IPO PVFC thì quản lý nguồn lực công ở PVN chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ nhất.
Hồng Quân / BizLIVE