Gặp anh Nguyễn Hải Châu (SN 1969) tại một xưởng chế tạo máy ở Hà Nội. Anh cho biết, trong tất cả những loại máy trưng bày ở đây, có sản phẩm anh đã tự chế tạo - đó cũng là đứa con tinh thần giúp anh có được ngày hôm nay.
Thực tế, anh Châu lại là một kỹ sư công nghệ. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Viện đại học mở Hà Nội, anh được nhận vào làm cho một tổ chức phi Chính phủ. Tại đây, anh Châu từng làm nhiều dự án có liên quan đến phát triển nông nghiệp nên câu chuyện khởi nghiệp cũng nhen nhóm từ đây.
Bắt đầu từ con số 0
Sau một lần đi công tác ở Hà Giang, chứng kiến cảnh nông dân băm bèo, thái chuối cho gia súc, anh Châu tự nảy ra trong đầu về một loại máy có thể giúp bà con giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất hiện tại lên gấp nhiều lần.
Chuyên ngành chính là công nghệ thông tin nhưng Hải Châu lại ưa thích nghề cơ khí chế tạo máy. Trước đó, anh từng dành nhiều thời gian để xem chương trình chế tạo, khởi nghiệp trên truyền hình. Là người sống với đam mê và sở thích, nên ngay khi chuyến công tác kết thúc, Hải Châu liền tự mày mò phác họa bản sơ bộ chiếc máy nghiền nguyên liệu nông nghiệp.
Từ con số 0 về cơ khí, anh Nguyễn Hải Châu đã chế tạo ra chiếc máy nghiền được bà con nông dân ưa thích. Ảnh: H.P.
Chỉ sau vài ngày miệt mài nghiên cứu, bản vẽ chiếc máy mơ ước do anh tự nghĩ ra đã hoàn thành. Sau khi kiểm tra kỹ lương và khảo ý của một vài người bạn trong ngành, anh Châu mang tới xưởng cơ khí nhờ hoàn thiện chiếc máy.
Thế nhưng, tất cả những nơi anh đặt chân đến đều từ chối vì họ cho rằng, việc dựng hình một chiếc máy trên thực tế với mong muốn của anh là không khả thi.
Hụt hẫng xen lẫn cảm giác hoang mang sau khi anh lê bước về nhà. Thế nhưng, vốn tính chẳng chịu lùi bước, anh Châu quyết định xin nghỉ việc để dành thời gian thực hiện ước muốn của mình.
Hoàn toàn không có kiến thức nền về cơ khí hay chế tạo máy, anh Châu bắt đầu sản phẩm đầu tay từ con số 0. Hàng ngày, anh miệt mài đọc bản vẽ và nghiên cứu sách kỹ thuật. Những khi không hiểu, anh lên mạng tìm kiếm và hỏi những người trong xưởng máy gần nhà.
Khi đã tích lũy các kiến thức cơ bản, Hải Châu bắt đầu gom tiền để mua đồ về chế tạo.
Hơn một năm qua, những đống ngổn ngang sắt thép, máy hàn,... chất cao hơn. 1-2h sáng, hàng xóm vẫn thấy anh Châu hì hục bên chiếc máy chưa định hình. Gia đình, bạn bè dù động viên song cũng bắt đầu cảm thấy nản trí. Nhiều người đã khuyên anh Châu nên dừng lại, vì ý tưởng của anh đã tiêu tốn thời gian với một khoản tiền không nhỏ.
6 tháng sau, chiếc máy băm nông nghiệp đã ra đời dưới sự ngỡ ngàng của mọi người.Thiết bị băm nghiền có cấu tạo đơn giản với ba bộ phận chính là motor (thân máy, trục chính), thùng chứa nguyện liệu và bộ 3 dao băm. Với công suất 2.2kW, chiếc máy có thể băm nghiền 150 kg thành phẩm/h.
Từ một kỹ sư công nghệ thông tin bỏ việc, anh Châu đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động khi dám theo đuổi ước mơ của mình. Ảnh: H.P.
Từ kỹ sư công nghệ thông tin đến nhà sáng chế nông dân
Phấn khởi với đứa con tinh thần của mình, anh Châu liền nghĩ ngay tới việc giới thiểu tới tổ chức phi Chính phủ - nơi anh từng làm việc trước đây. Thế nhưng, lại một lần nữa, anh bị từ chối thẳng thừng vì lý do sản phẩm chưa có thương hiệu và không có hồ sơ năng lực.
Lê bước chân về nhà, anh Châu không khỏi hụt hẫng. Thế nhưng, ngay sau đó, anh đem chiếc máy đến với bà con nông dân để thử nghiệm. Người dùng tỏ ra khá thích thú và có người ngỏ lời mua về sử dụng.
Chưa thỏa mãn với những gì đã có, anh Châu lắc đầu từ chối. Anh vay mượn thêm tiền để cải tiến chiếc máy nhỏ gọn và tiện ích hơn, đồng thời tìm hiểu và học thêm về marketing để quảng bá sản phẩm rộng rãi ra thị trường.
Sau hơn một năm không ngừng cố gắng, chiếc máy của anh Châu đã có mặt ở 63 tỉnh thành trong cả nước. Không những thế, anh còn tìm cách đưa những chiếc máy bán sang thị trường Lào, Campuchia. Hiện mỗi chiếc máy có giá 5-6 triệu đồng.
Những chiếc máy do anh Châu sáng tạo và cải tiến nâng cấp còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Ảnh: H.P.
Để đa dạng hóa nguồn hàng, anh Châu nhập thêm những chiếc máy nông nghiệp khác như nghiền vỏ; máy đóng khuôn; máy hút hạt; tách vỏ; máy chế biến thức ăn, thái cây thuốc.. về bán. Mỗi sản phẩm có giá bán lẻ từ 5-30 triệu đồng.
Bên canh đó, anh Châu cũng hướng dẫn công nhân cải tiến và nâng cấp chiếc máy để chúng hoàn thiện hơn.
Hiện nay, anh Châu đang sở hữu 3 xưởng chế tạo và bán máy, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động với mức nhập dao động 5-8 triều đồng/tháng/người. Doanh thu mỗi tháng của 3 cơ sở dao động 1.5-2 tỷ đồng.
Với những cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, tháng 2/2015, Nguyễn Hải Châu đã vinh dự được nhận Kỷ niệm chương của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho những đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Anh Châu cho biết, thời gian tới, ngoài thiết bị nông nghiệp và chế biến thực phẩm, anh sẽ mở rộng thêm thị trường máy móc xử lý môi trường. Việc này cũng góp một phần cải tạo không gian sống tốt đẹp hơn.
Hòa Phạm
Theo Trí Thức Trẻ