Đây là chia sẻ của ông Đặng Việt Quang - Tổ chức Forest Trend tại Hội thảo "Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới" do Hiệp hội Gỗ dăm xuất khẩu Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội Gỗ tổ chức sáng nay 15/7, tại Hà Nội.
Ảnh minh họa
Theo ông Đặng Việt Quang, dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành chế biến gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt gần 1,2 tỉ USD, tương đương với trên 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ. Tuy nhiên, kim ngạch và lượng xuất khẩu dăm của năm 2016 cho thấy những tín hiệu rất rõ ràng về sự suy giảm nghiêm trọng trong việc xuất khẩu dăm, và điều này đang làm phát sinh những lo ngại sâu sắc đặc biệt trong khối các doanh nghiệp dăm và các cơ quan quản lý.
Dẫn chứng về điều này, ông Quang cho biết, kim ngạch xuất khẩu dăm 5 tháng đầu năm 2016 đạt 248 triệu USD, chỉ tương đương với 58% kim ngạch 5 tháng cùng kỳ của năm 2015 (430 triệu USD). Lượng dăm xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2016 đạt 1,8 triệu tấn, bằng 61% tổng lượng dăm xuất khẩu trong cùng kỳ của năm 2015.
Nếu từ nay đến cuối năm 2016 xu hướng xuất khẩu này không thay đổi, ngành chế biến và xuất khẩu dăm của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với vô vàn khó khăn và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD, chỉ bằng khoảng 1/2 kim ngạch của năm 2015; lượng dăm xuất khẩu cả năm sẽ chỉ đạt trên dưới 7 triệu tấn, tương đương với khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu của 2015. Hiện lượng dăm tồn, không xuất khẩu được tại Việt Nam rất lớn.
Theo các chuyên gia, sự tụt giảm lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm 2016 có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là do giảm cầu đối với mặt hàng bột giấy trên thế giới đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường thế giới về tiêu thụ dăm gỗ bị co hẹp, mức giá xuất khẩu giảm, giá dầu thô trên thế giới giảm kéo theo việc giảm chi phí vận chuyển. Điều này tạo động lực cho việc hình thành và phát triển nguồn cung dăm mới từ một số quốc gia khu vực châu Phi về phía châu Á, đặc biệt về thị trường Trung Quốc. Mặt khác, nguồn cung nguyên liệu từ Thái Lan tăng mạnh do cây đến chu kỳ khai thác. Các yếu tố này tạo ra sự dư thừa trong nguồn cung và điều này dẫn đến hệ lụy giá dăm nhập khẩu giảm.
Tại hội thảo, nhiều DN cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam áp dụng mức thuế xuất khẩu 2% bắt đầu từ năm 2016, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và cầu tiêu thụ co hẹp phần nào làm cho ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng trở lên khó khăn hơn. Mức thuế xuất khẩu 2% tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD/tấn dăm trong cơ cấu giá thành dăm xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ co hẹp và mức giá xuất khẩu giảm buộc các doanh nghiệp chế biến dăm hoặc phải giảm giá thu mua nguyên liệu gỗ đầu vào, chủ yếu từ các hộ gia đình hoặc phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận nhằm duy trì thị trường.
Ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trend cho rằng, trước khi đưa ra những giải pháp can thiệp về thuế cần có những đánh giá sâu về thực trạng của ngành chế biến xuất khẩu dăm hiện nay của Việt Nam, trong đó cần nhìn vào các yếu tố về các loại hình và quy mô của doanh nghiệp, sự khác nhau giữa các vùng nguyên liệu, hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển các loại hình chế biến sản phẩm thay dăm cũng như các điều kiện tiếp cận thị trường đối với các loại hình sản phẩm đó.
Bên cạnh đó, cần có những đánh giá khách quan về thực trạng của hộ gia đình trồng rừng, nhằm xác định các yếu tố nội tại của bản thân hộ (vốn, lao động, trình độ canh tác), cũng nhưng các yếu tố bên ngoài (tiếp cận tín dụng, tiếp cận nguồn giống, khoa học công nghệ) có tác động trực tiếp đến quyết định của hộ trong việc sử dụng sản phẩm gỗ rừng trồng để làm dăm hay các sản phẩm khác. Chính sách, bao gồm cả chính sách thuế xuất khẩu nhập khẩu hiện tại và trong tương lai, sẽ không thể phát huy được hiệu quả nếu không dựa trên nền tảng là từ kết quả của các đánh giá này.
Trước những ý kiến của các DN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định: Con đường tái cơ cấu để nâng cao giá trị của ngành gỗ là tất yếu. Việt Nam là nước xuất khẩu dăm lớn nhất thế giới, tuy nhiên ngành dăm gỗ phát triển không bền vững như nhiều ngành hàng khác, vì vậy, chính sách áp thuế đối với xuất khẩu dăm là cần thiết. Tuy nhiên, chủ trương của nhà nước đưa ra nhằm mục đích giảm tỷ trọng xuất khẩu dăm trong cơ cấu xuất nhập khẩu gỗ Việt Nam chứ không phải là bóp nghẹt ngành này.
“Quan điểm của Bộ NN&PTNT là ngành dăm quan trọng nhưng quan trọng hơn là ngành công nghiệp chế biến gỗ, phải cùng nhau tái cơ cấu. Nếu tiếp tục phát triển dăm nóng thì sẽ đi vào con đường khó khăn, cứ mạnh ai người nấy làm thì không thể phát triển bền vững được”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, câu hỏi đặt ra là trong 16,2 triệu tấn nguyên liệu cho dăm, bao nhiêu phần trăm không sản xuất dăm thì không làm được gì, bao nhiêu là sản phẩm khai thác chính từ rừng, chặt non để làm dăm cần có những con số cụ thể thì mới có thể đưa ra được chính sách. Sau hội thảo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn sẽ giao Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục nghiên cứu thêm để đưa ra đề xuất, kiến nghị.
Nguyễn Hạnh / baocongthuong.com.vn