Tập đoàn KIDO, trước kia là Kinh Đô (mã KDC), đã chính thức chấm dứt "mối tình" 23 năm với mảng bánh kẹo, khi vừa bán nốt 20% vốn còn lại cho đối tác nước ngoài, thu về khoảng 2.000 tỷ đồng.
Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành khẳng định, KIDO chủ động rao bán mảng bánh kẹo, chứ không phải bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm
Như vậy từ đây, thương hiệu Kinh Đô - những sản phẩm bánh kẹo nổi tiếng như bánh trung thu, bánh AFC, Cosy, Solite...chính thức trở thành thương hiệu nước ngoài.
Hành trình chia tay bánh kẹo
Cuối năm 2014, Kinh Đô khiến giới tài chính bất ngờ khi quyết định bán 80% mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International với giá 370 triệu USD (7.846 tỷ đồng).
Thu được một khoản tiền mặt lớn, KIDO dành 4.700 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ chưa từng có trên thị trường tài chính là 200%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 20.000 đồng. Đồng thời, KIDO còn mua lại 40 triệu cổ phiếu quỹ.
Ông Tim Cofer, Phó chủ tịch Mondelēz International khi đó đã khẳng định đây là khoản đầu tư quan trọng nhằm nâng cao vị thế cũng như chiến lược phát triển của tập đoàn này tại khu vực châu Á.
Mondelēz International châu Á - Thái Bình Dương là một chi nhánh của tập đoàn Mondelēz International (Mỹ), chuyên về các sản phẩm bánh quy, chocolate, kẹo gum, kẹo, cà phê và bột pha nước giải khát với doanh thu hơn 5 tỷ USD tại khu vực này.
Đây là một trong những công ty hàng đầu thế giới về thức ăn nhẹ với các nhãn hiệu nổi tiếng, có doanh thu 30 tỷ USD năm 2015.
Đầu năm 2016, phía Mondelēz International đã đổi tên Công ty Kinh Đô Bình Dương (công ty con của KIDO phụ trách mảng bánh kẹo trước đây) thành Công ty Cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam, thương hiệu được nhắc đến là Mondelez Kinh Đô.
Công ty Kinh Đô Bình Dương - nay là Mondelez Kinh Đô, chính thức được bàn giao cho Mondelēz International từ 30/6/2015.
Mondelez Kinh Đô sở hữu danh mục các nhãn hàng gồm bánh trung thu và bánh quy Kinh Đô, bánh quy Cosy, bánh bông lan Solite, bánh quy giòn AFC, bánh quy Oreo, bánh quy giòn Ritz và socola Cadbury...
Nuối tiếc một thương hiệu bánh kẹo đã tồn tại 23 năm, dư luận đặt nhiều câu hỏi về thương vụ đình đám này. Tuy nhiên, Chủ tịch KIDO Trần Kim Thành khẳng định, KIDO chủ động rao bán mảng bánh kẹo, chứ không phải bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.
Ông cho biết, KIDO muốn đạt lợi nhuận 20.000 - 30.000 tỷ đồng, chứ không phải chỉ dừng lại ở hơn 6.000 tỷ đồng năm 2015, và chọn con đường M&A để đột phá. Những sự chuyển mình của KIDO từ năm 2017 sẽ thấy rõ hơn.
Năm 2016, KIDO đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ và chia cổ tức bằng tiền mặt 16%. Tuy nhiên, với việc hoàn thành thương vụ trên, lợi nhuận của KIDO năm nay có thể vượt 2.000 tỷ đồng.
Ôm mộng mới với mì gói, kem, dầu ăn, chứng khoán
Hai năm sau khi bán mảng bánh kẹo, đã có những khoảng thời gian KIDO chông chênh khi doanh thu và lợi nhuận giảm sút, trong khi ngành nghề mới chưa đem lại lợi nhuận. Công ty gấp rút tìm kiếm các kênh đầu tư mới để bù đắp phần thiếu hụt do bán mảng bánh kẹo. Ban đầu, KIDO đã thử sức ở lĩnh vực từ ngân hàng, chứng khoán đến ngành hàng thực phẩm thiết yếu.
Ở lĩnh vực ngân hàng, KIDO dự định rót hơn 1.000 tỷ đồng mua cổ phần tại ngân hàng Đông Á. Một lãnh đạo KIDO từng cho biết đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư và đang trong quá trình thẩm định, đánh giá khả năng đầu tư vào ngân hàng.
Sau đó, thương vụ đã không được thực hiện, và đây được coi là một bước lùi có phần may mắn của KIDO, bởi chỉ ít lâu sau đó ngân hàng Đông Á đã bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt và hàng loạt các biến cố xảy ra.
Tiếp đó, Tổng giám đốc KIDO Trần Lệ Nguyên được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Rồng Việt sau khi chi tiền mua lại 24,5 triệu cổ phiếu tương ứng nắm gần 70% vốn công ty này. Đây được cho là bước đệm để thực hiện các sứ mệnh M&A cho KIDO trong tương lai.
Đáng chú ý, KIDO đã chọn ngành thực phẩm thiết yếu. Công ty đầu tư hơn 400 tỷ đồng vào Công ty TNHH Saigon Ve Wong sản xuất mỳ gói với tham vọng dẫn đầu thị trường này. Sản phẩm đã ra mắt song đến nay vẫn chưa có nhiều thành quả nào đáng kể.
Thị trường mì ăn liền đang cạnh tranh rất khốc liệt. Với những tên tuổi lớn như Acecook, Masan Food, Asia Food… thương hiệu mì non trẻ của KIDO sẽ phải có một chiến lược riêng để công phá thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, ban lãnh đạo KIDO đã thay đổi việc tiếp cận ngành hàng này bằng cách tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp, thay vì phủ khắp các phân khúc như kế hoạch ban đầu.
Dù khó khăn với mỳ, chứng khoán, nhưng KIDO lại đang thành công ở mảng kem. Với mục tiêu tiếp tục dẫn đầu thị phần về kem, công ty chi tới 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh để tăng năng suất thêm 170% đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển quy mô và tăng điểm bán ở cả hai miền Nam Bắc.
"Với nhà máy 400 tỷ ở miền Bắc cuối tháng 8 này sẽ xây dựng xong và sản lượng sản phẩm sản xuất dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Còn tại Tp.HCM, công ty cũng dự kiến xây dựng thêm nhà máy ở Củ Chi", ông Trần Lệ Nguyên nói với báo giới.
Ông Nguyên khẳng định, tốc độ tăng trưởng ngành hàng này đạt mức hai con số. 6 tháng đầu năm nay, chỉ riêng ngành kem mang lại 106 tỷ đồng lợi nhuận. Hết năm, ngành kem có thể thu được 200 tỷ lợi nhuận.
Đặc biệt, KIDO còn tiếp tục mở rộng kinh doanh thêm bánh bao sau quá trình thử nghiệm bán cấp lạnh. Hiện nhà máy bánh bao tại Củ Chi (Tp.HCM) đang làm việc hết công suất, mỗi ngày sản xuất khoảng 120.000 sản phẩm bánh bao nhân ngọt, mặn.
Về dầu thực vật, KIDO đang nuôi tham vọng lớn khi dự kiến nâng sở hữu lên 51% tại Tổng công ty Dầu thực vật (Vocarimex). Công ty này cũng cho biết sẽ lợi nhuận sẽ được ghi nhận cuối năm nay khi hợp nhất vào báo cáo tài chính.
Hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin KIDO thâu tóm hãng dầu thực vật Tường An. Có nguồn tiền mặt lớn trên 3.500 tỷ đồng, nhiều khả năng KIDO sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, M&A để thâm nhập thị trường nhanh hơn, và thúc đẩy các mảng kinh doanh mới như mì ăn liền, dầu, hạt nêm.
Với những kỳ vọng mới, giai đoạn 2017-2018 KIDO đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng, chia cổ tức trong năm tới 20%, đồng thời, tiếp tục M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, KIDO đã đạt doanh thu thuần 590 tỷ đồng, lợi nhuận ghi nhận gần 134 tỷ đồng.
Theo VnEconomy