Nhu cầu sử dụng 3G ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh, trong khi đó, phần lớn các gói cước hiện nay chưa đáp ứng được mong muốn của người dùng.
Bên cạnh đó, số lượng thuê bao 3G cũng đang dần trở nên quá tải, đặt các nhà mạng vào một cuộc chạy đua giữa chất lượng và giá cả.
Cung không đủ cầu
Tờ Wall Street Journal cho biết, tỷ lệ phổ cập Internet ở Việt Nam đã đạt mức 44% dân số 90 triệu người, từ mức 12% cách đây một thập kỷ. Phần lớn sự phủ sóng này được thúc đẩy bởi điện thoại thông minh (smartphone), thiết bị được hơn 1/3 dân số Việt Nam sử dụng. Cũng theo tờ báo này, Facebook là trang mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam với 30 triệu người dùng, trong đó, có 27 triệu hoạt động trên thiết bị di động. Con số này cao hơn 13% so với mức sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày trên toàn cầu.
Thực tế, người dùng thường có thói quen sử dụng internet trên di động mọi lúc mọi nơi. Điều đó đồng nghĩa với nhu cầu ngày càng cao về đường truyền internet di động. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, wifi tại Việt Nam không có sẵn ở khắp mọi nơi. Do đó, “sứ mệnh” kết nối này “đè nặng” lên vai các nhà mạng trong việc cung cấp 3G. Muốn nâng cấp chất lượng phủ sóng, các nhà mạng buộc phải đầu tư lớn cho việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cũng như bổ sung trang thiết bị.
Tuy nhiên, muốn có kinh phí để đầu tư nâng cấp 3G, nhà mạng cần tối đa hóa hiệu quả kinh doanh tốt hơn nữa. Trong một sự kiện diễn ra năm 2013, đại diện cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, giá cước Internet tại Việt Nam vẫn là thấp so với thế giới (chỉ bằng khoảng 60% so với mặt bằng chung).
Bên cạnh đó, theo phân tích của báo chí quốc tế, sự cạnh tranh giữa các nhà mạng cũng là một phần lý do khiến giá cước dữ liệu di động ở Việt Nam thuộc vào hàng những quốc gia có mức giá rẻ nhất trên thế giới, chỉ ở mức khoảng trên 3 USD/gigabyte (khoảng hơn 60.000 đồng).
Rõ ràng, mức cước thấp và sự cạnh tranh đang tạo áp lực lớn cho hoạt động kinh doanh của các nhà mạng. Vậy đâu là hướng đi cho thị trường 3G Việt Nam trong những năm tới?
Xu hướng 3G tương lai
Vừa qua, hai nhà mạng lớn tại Mỹ là AT&T và Verizone đã đưa vào áp dụng những gói cước 3G và 4G giới hạn dung lượng. Theo đó, nếu khách hàng dùng hết dữ liệu cho phép, lượng data vượt giới hạn sẽ được tính thêm phí. Tuy nhiên, mức giá dành cho lượng data phát sinh này sẽ ưu đãi hơn mà vẫn duy trì được tốc độ kết nối cao.
Xét theo thực tế nhu cầu sử dụng 3G tại Việt Nam thì đây sẽ là giải pháp có khả năng dung hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một động thái được xem là khá nhạy bén với thị trường gần đây là sự kiện MobiFone tung ra hàng loạt gói cước giới hạn dung lượng, có mức tăng dung lượng data ‘khủng’ và giữ nguyên giá. Đại diện MobiFone cho biết, đợt điều chỉnh gói cước lần này được đưa ra nhằm mang lại trải nghiệm 3G tối ưu cho người dùng trong bối cảnh số thuê bao 3G tại Việt Nam ngày càng tăng mạnh.
Cụ thể, dung lượng của hai gói cước quen thuộc M120 và 12M120 sẽ được tăng từ 1,5 – 3 GB data tốc độ cao lên 3 – 4 GB với mức giá vẫn giữ nguyên. Sau khi sử dụng hết lượng dữ liệu miễn phí, người dùng sẽ được nhà mạng thông báo hết hạn và có thể lựa chọn các gói dữ liệu bổ sung như MAX15, MAX25 và MAX35 với chi phí rất hợp lí, lần lượt là 15.000 đồng, 25.000 đồng và 35.000 đồng cho các mức dung lượng 350 MB, 600 MB và 1 GB.
A.D
Theo Trí Thức Trẻ