Nếu như năm 2015 Việt Nam có khoảng 2000 cửa hàng xe điện, thì tới 2017 chỉ còn khoảng 1500 cửa hàng. Nhiều cửa hàng biến mất do kinh doanh chạy theo lợi nhuận, bán sản phẩm chất lượng kém khiến người tiêu dùng mất lòng tin.
Một kho xe điện Trung Quốc không có đầy đủ giấy tờ bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh Internet. |
Theo đánh giá của CEO PEGA Lê Hoàng Long, tại Việt Nam, 2015 là năm phát triển rất mạnh của thị trường xe điện khi trên cả nước có khoảng 2000 cửa hãng. Tuy nhiên tới năm 2017 lại đang có sự giảm sút đáng kể, chỉ còn khoảng 1500 cửa hàng.
“Thị trường xe điện trong năm qua giảm sút tới 50% về sản lượng. Nguyên nhân là do Chính phủ siết chặt quy định của pháp luật về xe điện, hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam khó khăn hơn. Ngoài ra thị trường kinh doanh quá nhiều sản phẩm xe điện, chất lượng kém gây mất lòng tin người tiêu dùng”, ông Long nói.
Phân tích của ông Long cho thấy, thực tế của thị trường điện thoại hay xe máy tại Việt Nam cũng đang là những bài học xương máu cho thị trường xe điện.
Đối với thị trường điện thoại, năm 2010 Việt Nam có khoảng 14000 của hàng điện thoại di động và khi đó Q-mobile rất thành công với hàng nghìn cửa hàng phân phối, năm cao điểm bán đến 2 triệu máy.
Tuy nhiên đến năm 2016 thì Q-mobile gần như biến mất khỏi thị trường và 14000 cửa hàng điện thoại di động này đã được thay thế bằng chuỗi Thế Giới Di Động, FPT Shop hay Viettel Store, các siêu thị điện máy…
“Chúng tôi đã tìm hiểu thì nhận thấy Q-mobile không có những cải tiến về chất lượng sản phẩm, không nắm bắt kịp xu hướng sản phẩm của thị trường. Hệ thống phân phối tuy rộng nhưng không bài bản và quy mô. Ngoài ra chế độ hậu mãi rất không tốt. Trong khi đó Thế Giới Di Động bán ra sản phẩm được đảm bảo bởi các nhà cung cấp chính hãng; hệ thống showroom chuyên nghiệp với đội ngũ nhân sự trẻ, nhiệt tình; sử dụng các quy trình quản lý cũng như hậu mãi tốt đối với khách hàng… nên đã có tốc độ phát triển mạnh mẽ”, ông Lê Hoàng Long nhận định.
Tương tự trên thị trường xe máy, Honda hiện chiếm khoảng 70% thị phần, Yamaha chiếm 20% và 10% còn lại thuộc về xe Trung Quốc, SYM, Suzuki, Piaggio… Honda chiếm số 1 vì có những sản phẩm xe máy chất lượng, hệ thống phân phối chuyên nghiệp, vị trí đẹp tại các thành phố, trung tâm lớn; bài bản quy mô về chất lượng và sản phẩm dịch vụ; đội ngũ đại lý được tuyển chọn kỹ lưỡng.
Trở lại với câu chuyện thị trường xe điện, đại diện PEGA cũng nhấn mạnh điều cần thiết của thị trường là người tiêu dùng, chất lượng phải là hàng đầu chứ không phải lợi nhuận được đặt lên hàng đầu.
Trong khi đó đặc điểm của thị trường kinh doanh phân phối xe điện hiện nay vẫn không bài bản chuyên nghiệp, chủ yếu là tự phát. Khách hàng chủ yếu dựa vào uy tín của người bán hàng để mua xe; các cửa hàng bán nhiều loại xe của nhiều hãng khác nhau nhưng là những sản phẩm giống nhau, không có sự khác biệt. Với thực tế phát triển như vậy, CEO Lê Hoàng Long cho rằng trong năm 2017 thị trường xe điện sẽ còn có những biến động đáng kể, các cửa hàng xe điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn. Vì vậy, các hãng xe điện phải tập trung vào chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng tốt để tạo niềm tin của người dùng bởi lợi thế của xe điện có chi phí rẻ, thân thiện với môi trường. Có như vậy, xe điện mới chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Nguyên Đức / ICTNews