Đại dịch Covid-19 không chỉ đẩy giá vàng thế giới tăng vọt mà còn khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng nội địa gặp khó.
Giá vàng thế giới đã vượt lên mốc tâm lý 1.700 đô la/ounce. Hình minh họa. Nguồn: TTXVN.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM về sự phối hợp quản lý của các cơ quan, ban ngành trong hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng trong quí 1, đã có sáu doanh nghiệp trả giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do không có nhu cầu sản xuất.
Bên cạnh đó, báo cáo còn cho biết có 4 doanh nghiệp đã thông báo tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho hạn ngạch năm nay, bao gồm Công ty Nữ trang Danish, Công ty Vàng bạc đá quý Kim Hoàng Phát, Công ty Quốc tế Hoàn Thiện và Công ty Xuất nhập khẩu Huỳnh Thái.
Như vậy từ trước đến nay đã có 75 doanh nghiệp trả giấy chứng nhận. Hiện còn lại 480 doanh nghiệp đang được cấp phép hoạt động. TPHCM hiện có 837 điểm được cấp phép giao dịch mua bán vàng miếng, thuộc 20 tổ chức tín dụng và 12 doanh nghiệp.
Từ khi Covid-19 bùng phát, ngành kim hoàn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Chẳng hạn như Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), mảng bán lẻ và bán sỉ cũng đã tăng trưởng chậm lại.
Tính đến đầu tháng 4, PNJ đã phải đóng cửa 85% số cửa hàng trên toàn quốc, trong đó các cửa hàng tại TPHCM và miền Bắc đóng toàn bộ (góp đến hơn nửa doanh thu). Mảng bán sỉ cũng chịu tác động sớm bởi đại dịch, cũng như việc giá vàng neo ở mức cao, ảnh hưởng đến sức mua tại các cửa hàng nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua, doanh thu kinh doanh mảng vàng miếng của PNJ lại đạt mức 396 tỉ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ. “Mảng vàng miếng tăng mạnh trong tháng 3 do tâm lý tích trữ và đầu cơ tăng do dịch Covid-19 cũng như giá vàng liên tục tăng trong kỳ”, báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định.
Trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng đã kéo theo sự điều chỉnh của giá vàng nội địa, có thời điểm đã vượt mốc 49 triệu đồng, lập mức đỉnh trong gần chục năm qua.
Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào thời điểm cuối tháng 2, đã lên tiếng trước bối cảnh giá vàng vọt tăng mạnh bất thường. Theo đó, đại diện NHNN cho rằng giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường hiện vẫn trầm lắng.
Trên thị trường trong nước, giao dịch mua, bán vàng miếng vẫn diễn ra bình thường.Giá vàng trong nước bám sát và nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi. NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và “có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết”.
Cũng theo đại diện NHNN, thị trường vàng trong thời gian qua đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế, tình trạng “vàng hóa” được giảm thiểu, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát, nhờ Nghị định 24/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Nhiều chuyên gia tin rằng giá vàng quốc tế có xu hướng tăng lên vì nhu cầu tìm chỗ trú ẩn an toàn, là điều thường thấy trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Kỳ vọng giá vàng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên cả các nhà kinh doanh vàng lẫn các nhà đầu cơ tăng cường mua vào tích trữ và phòng thủ.
Giá vàng SJC niêm yết trong ngày 8-5 ở quanh mức 48,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 150.000 đồng/lượng so với hôm qua. Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới hiện được giao dịch ở mức 1.715 USD/ounce, tăng khoảng 15 USD mỗi ounce so với phiên trước.