Trong lúc thị trường ô tô ế ẩm bởi sức mua giảm sút mạnh do dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của người tiêu dùng thì hoạt động mua bán ô tô đã qua sử dụng (xe cũ) càng ảm đạm hơn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đang thua lỗ, tạm dừng hoạt động, thậm chí là phá sản.
Các cửa hàng kinh doanh ô tô cũ vắng bóng khách hàng một phần do người tiêu dùng hạn chế đi tham quan, mua sắm bởi lo ngại sự lây lan của Covid-19, một phần là do giá bán ô tô mới được giảm giá liên tục bởi các chương trình kích cầu cùng ưu đãi cho khách mua.
Nhiều xe ô tô đã qua sử dụng giảm giá nhiều nhưng cũng không có khách mua. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Bán hàng dưới giá vốn vẫn ế
Anh Nguyễn V. Quang chuyên kinh doanh xe đã qua sử dụng (hay thường gọi ô tô cũ) tại một đại lý ở huyện Bình Chánh (TPHCM) than thở trước Tết nguyên đán đại lý anh "ôm" một lượng lớn xe nhưng không bán được. Nghỉ Tết xong thị trường ô tô vốn luôn bị ế ẩm, cộng với dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến việc kinh doanh ô tô bị tê liệt dù có một số xe chủ đại lý bán giá vốn hoặc chấp nhận bán dưới giá thâu vào.
Anh Quang cho biết trước đây, mỗi tháng bình quân anh bán được 4-5 xe, nhưng trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua chỉ bán được 1-2 xe. Bước sang tháng 4 rồi do thực hiện theo chủ trương giãn cách xã hội nên coi như không cửa hàng không bán được chiếc xe nào.
Hoạt động bán hàng chậm khiến các chủ đại lý kinh doanh ngần ngại nhập hàng, giá xe cũ tiếp tục giảm giá mạnh để kích cầu là những biến động rõ rệt của thị trường ô tô trong 4 tháng vừa qua.
Do đang thời điểm dịch Covid-19, lượng khách mua giảm nên nhiều cửa hàng thay vì bán xe trực tiếp tại cửa hàng thì chuyển sang bán trên sàn thương mại. Mặc dù các đại lý đưa ra nhiều chương trình ưu đãi lớn lên đến vài chục triệu đồng/xe để thu hút khách hàng nhưng thị trường ô tô đã qua sử dụng vẫn bị "đóng băng".
Anh Minh Khoa, trưởng nhóm kinh doanh xe đã qua sử dụng tại một đại lý ô tô trên đường Cộng Hòa (TPHCM), than thở do kinh doanh ế ẩm, các nhân viên bán hàng của nhóm anh chi tiền nhiều hơn cho việc giới thiệu xe qua các trang mạng rao vặt hoặc trên cả youtube, nhưng lượng bán hàng chỉ bằng 1/5 so với trước đây.
Theo anh Khoa, nhiều mẫu xe bán dưới giá thành đại lý thâu vào cũng không có khách mua. Các nhân viên bán hàng gần như không có thu nhập gì vì tất cả số tiền chiết khấu của đại lý đều giảm cho khách để đạt doanh số và chi cho tiền đăng quảng cáo, rao vặt...
Trước tình hình khó khăn này, nhiều cửa hàng kinh doanh ô tô chỉ tập trung bán hàng sẵn có, hạn chế không “ôm hàng" mới. Để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, nhiều chủ cửa hàng xe cũng mạnh tay giảm giá các mẫu xe phổ biến để kích cầu ngay cả phân khúc xe SUV, MPV từ 5 đến 7 chỗ.
Giá trị xe càng lớn, doanh nghiệp lỗ càng nặng
Theo giới kinh doanh, những chiếc xe đã qua sử dụng nếu thâu vào từ cuối năm ngoái đến giờ chưa bán được đều bị lỗ. Xe càng có giá trị lớn càng bị lỗ nhiều. Đó là chưa kể chi phí vốn, tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, thuế, lãi vay ngân hàng,...
Trước đó, thống kê trên 30.000 tin đăng trên trang Chợ Tốt Xe, hầu hết các mẫu xe đã qua sử dụng đều giảm giá ít nhiều tùy vào từng phiên bản, đời xe và tình trạng xe.
Nhìn lại thị trường ô tô nói chung anh Minh Khoa cho rằng giữa mùa dịch bệnh này ngay cả việc kinh doanh ô tô mới còn khó khăn. Nhiều đại lý, hãng xe liên tục giảm giá bán, hỗ trợ phí, tăng phụ kiện... cho khách hàng với tổng giá trị từ vài chục triệu lên đến hàng trăm triệu đồng/xe vẫn chưa kinh doanh được thì làm sao xe đã qua sử dụng có người mua.
Giám đốc một công ty chuyên nhập xe sang đã qua sử dụng (các thương hiệu như Lexus, BMW) than thở rằng chiếc xe có giá thấp nhất trong cửa hàng của ông hiện tại bán ra phải lỗ khoảng 50 triệu đồng, xe có giá trị cao hơn thì lỗ lên tới 300 triệu đồng mà vẫn không tìm được người mua. Đơn cử, chiếc Lexus GX 460 đời 2013, lúc công ty nhập vào giá 3,1 tỉ đồng, nay rao giá 2,8 tỉ đồng nhưng qua hai tháng rồi mà vẫn chưa nhận được lời hỏi thăm của khách hàng nào.
Đơn cử như mới đây, bộ đôi SUV 7 chỗ Nissan Terra và Ford Everest đồng loạt giảm giá lên tới tới 100 triệu đồng, nhằm kích cầu tiêu dùng. Động thái này được cho là nhắm đến 2 đối thủ sừng sỏ là Hyundai Santa Fe, Toyota Fortuner.
Hay Toyota Việt Nam bước sang tháng 5 này giảm giá mẫu Vios phiên bản E MT 3 túi khí 20 triệu đồng, kéo giá bán xuống còn 450 triệu đồng. Tương tự như vậy, phiên bản E MT 7 túi khí có giá 470 triệu đồng. Hai phiên bản E CTV cũng có giá lần lượt là 500 triệu và 520 triệu đồng...
Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của hiệp hội.
Các doanh nghiệp đang đề xuất Chính phủ hỗ trợ kích cầu thị trường bằng việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, với giới kinh doanh xe cũ thì chẳng được hưởng gì, thậm chí còn thêm lo lắng. Nếu xe mới được giảm thuế phí, giá sẽ giảm thêm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, thì những chiếc xe cũ đã mua vào trước đó, sẽ còn chịu thua lỗ nặng nề hơn.
Một số chủ cửa hàng kinh doanh ô tô đã qua sử dụng cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mấy tháng nay khiến nhiều gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn nên nhu cầu đi lại giảm mạnh dẫn đến họ đang trong tình trạng khóc ròng vì thua lỗ. Nhu cầu ô tô giảm mạnh sẽ khiến cho kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp có thể thua lỗ, dừng hoạt động, thậm chí là phá sản.