Sau những đợt dịch và lần giãn cách từ năm ngoái đến nay, có thời điểm một số cửa hàng xe đạp tăng trưởng doanh số 200-300%.
Không thường xuyên, nhưng Anh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) thỉnh thoảng vẫn dùng xe đạp để mua hàng tạp hóa gần nhà cho gia đình. Chiếc xe trị giá 4 triệu đồng, được "tậu" vào đợt giãn cách xã hội năm ngoái.
"Cách đây ít hôm, có đến 3 người bạn của tôi mua xe đạp. Có người cũng mua một chiếc 4 triệu nhưng có người đầu tư hẳn một chiếc 10 triệu đồng để đạp thể dục ở Hồ Tây", Tuấn nói.
Hay như Minh Duy (quận 8, TP HCM) mua xe đạp từ lần phòng gym phải đóng cửa ở TP HCM vào tháng 2/2021. Sau khi gym hoạt động lại, anh dùng xe đạp để đến phòng tập các buổi cuối tuần. Hiện tại, khi phòng gym tiếp tục dừng hoạt động, anh lại dùng xe đạp thường xuyên hơn. "Tôi chưa biết bao giờ được đi tập lại nên sử dụng xe đạp di chuyển đến những điểm cần thiết trong bán kính 10 km, xem như cardio mùa này", anh nói.
Một góc trong cửa hàng bán xe đạp của Aeon. Ảnh: Aeon Việt Nam.
Sở hữu 6 cửa hàng ở 6 trung tâm thương mại và 2 cửa hàng ở các trung tâm thuộc đối tác bên ngoài tại TP HCM, Bình Dương, Hà Nội và Hải Phòng, Aeon Việt Nam cho biết có sự tăng trưởng rõ rệt của mảng kinh doanh xe đạp, vào khoảng 200-300% tùy thời điểm vào năm ngoái.
"Covid-19 xuất hiện đã gây ra nhiều thay đổi trong đời sống của người dân. Mọi người chú ý hơn đối với vấn đề rèn luyện và bảo vệ sức khỏe bản thân với nhiều hình thức tập luyện khác nhau. Trong đó, đạp xe là xu hướng mới không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới", đại diện Aeon Việt Nam, cho biết.
Cú hích mùa dịch cũng khả quan tại hệ thống 21 showroom Giant International của Vòng Xanh trên toàn quốc. "Covid bùng phát, kéo theo lệnh giãn cách xã hội và nhu cầu tập luyện thể thao một mình tăng đột biến trong quý II/2020. Doanh số và mạng lưới Vòng Xanh cũng tăng mạnh từ quý II, quý III năm ngoái đến nay và tại các thời điểm có dịch", ông Peter Nguyễn, CEO Vòng Xanh nói với VnExpress.
Dù có những thời điểm sản lượng lên cao, Covid-19 không phải là yếu tố chính kích hoạt thị trường xe đạp Việt Nam. Giới kinh doanh đã thấy triển vọng bùng nổ của nó trong 3-4 năm trở lại đây.
Đơn cử trường hợp của Vòng Xanh, nhà phân phối độc quyền chính thức tại thị trường Việt Nam cho thương hiệu xe đạp lớn nhất thế giới Giant International. Năm 2019, họ nhận ra thị trường xe đạp thiếu sự hiện diện của các chuỗi bán lẻ chuyên nghiệp, vận hành bởi đa số các tiểu thương nhỏ lẻ, nên bắt đầu công cuộc xây dựng mô hình chuỗi bán lẻ xedap.vn và xedien.vn.
Ông Peter Nguyễn chỉ ra 3 yếu tố khiến thị trường xe đạp có tiềm năng về dài hạn. Thứ nhất, xe đạp là ngành kinh doanh trường tồn. Khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người dân tăng, dân số tầng lớp trung lưu tăng. Nhu cầu đạp xe tăng cường sức khỏe sẽ mở rộng, ngành xe đạp cũng sẽ phát triển theo.
Thứ hai, xu hướng đô thị hóa ngày càng lớn, các khu dân cư mới được xây lên, hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, làn đường dành cho xe đạp cũng sẽ được thiết lập cùng với sự chú trọng của chính phủ cho cuộc sống xanh.
Và thứ ba, tắc nghẽn giao thông sẽ được giải quyết bằng hệ thống giao thông công cộng, mật độ xe máy sẽ giảm dần tại các khu trung tâm. Phương tiện đi lại quãng đường ngắn như xe đạp sẽ là sự lựa chọn tối ưu. Các mạng lưới chia sẻ xe đạp dùng công nghệ và ngành xe đạp nói chung sẽ có ảnh hưởng tích cực.
Khách tham quan tại một cửa hàng của xedap.vn. Ảnh: Vòng Xanh.
Aeon Việt Nam cũng đồng quan điểm thị trường xe đạp còn nhiều dư địa và tiềm năng. Tại Nhật Bản năm 2019, có khoảng hơn 70 triệu người dùng xe đạp trên 125 triệu dân. Còn tại Việt Nam, hiện mới có khoảng hơn 3 triệu người dùng xe đạp tại Hà Nội (khoảng một triệu) và TP HCM (khoảng 2 triệu).
"Dự đoán 1-2 thập kỷ nữa, thị trường xe đạp Việt Nam sẽ phát triển bùng nổ, định hướng cho lối sống xanh, phát triển kinh tế xanh một cách bền vững ở Việt Nam sau này", đại diện Aeon Việt Nam nhận định.
Sức hút của thị trường xe đạp gần đây cũng đã kéo "đại gia" bán lẻ Thế Giới Di Động nhảy vào. Họ bắt đầu thử nghiệm bán xe đạp từ hôm 30/4 tại 2 cửa hàng Điện Máy Xanh ở TP Thủ Đức. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động, đánh giá, với sức bán duy trì ổn định tầm 15 xe mỗi cửa hàng mỗi ngày, giá trung bình trên 3 triệu đồng mỗi chiếc thì kết quả ban đầu là "vượt kỳ vọng".
Theo ước tính của ông Hiểu Em, thị trường xe đạp Việt Nam có thể đạt doanh số trên 2,5 triệu chiếc mỗi năm, doanh thu vào khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng, trở thành thị trường đủ lớn để chuỗi này tham gia. Họ dự kiến mở thêm chục cửa hàng nữa tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu... trước 15/6, theo mô hình "shop-in-shop", tức nằm trong mặt bằng các cửa hàng Điện Máy Xanh hiện có.
Ông Hiểu Em tính toán, doanh thu từ xe đạp có thể đóng góp khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng mỗi năm cho mỗi cửa hàng Điện Máy Xanh. Hiện chuỗi này có khoảng 100 cửa hàng đủ mặt bằng để bán xe đạp. Nếu duy trì sản lượng bình quân như hiện tại thì khi phủ đủ số điểm sẽ bán được 40.000 - 50.000 chiếc mỗi tháng.
Hệ thống này sẽ là đối thủ đáng gờm của các cửa hàng xe đạp nhỏ lẻ với chính sách ưu đãi đậm. Màn chào sân của họ là khuyến mại 20% cho khách hàng mua trực tiếp và 25-30% cho khách hàng mua kèm điện máy, điện thoại; tương tự như cách làm lúc bắt đầu kinh doanh đồng hồ.
"Với lưu lượng khách lớn sẵn có, lại đầu tư mô hình shop-in-shop ít tốn thêm chi phí mặt bằng, vận hành nên chúng tôi dùng khoản dư đó vào khuyến mại để kích cầu", ông Hiểu Em nói, "Và với cách làm của chúng tôi thì không mất nhiều thời gian thì sẽ chiếm được 30-40% thị phần".
Phía Vòng Xanh tỏ ra hào hứng trước động thái của Thế Giới Di Động. Bởi lẽ, đây cũng chính là nhà cung cấp xe đạp Giant International cho Điện Máy Xanh. "Sự tham gia của một thương hiệu lớn sẽ thúc đẩy ngành xe đạp phát triển, sự quan tâm của người dân tới việc đạp xe cũng sẽ nhiều hơn, mảng bán lẻ của chúng tôi cũng hưởng lợi. Doanh thu mảng bán sỉ của chúng tôi cũng tăng cùng với quy mô của Điện Máy Xanh. Với chúng tôi đây là điều win-win", ông Peter Nguyễn cho biết.
Trong ngắn hạn, Aeon Việt Nam cho rằng, thị trường xe đạp Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt do nhu cầu tăng cao của người dùng. Tuy nhiên, thị trường này sẽ không bùng nổ quá cao và có tính đứt đoạn, cũng chính vì Covid-19 làm ảnh hưởng đến mức chi tiêu của khách hàng và nguồn cung hàng hóa toàn cầu.