Là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, trong những năm qua, nhờ nỗ lực đổi mới, triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư linh hoạt, Tây Ninh đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhờ công tác xúc tiến thương mại hiệu quả, Tây Ninh đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Trong ảnh: Sản xuất vỏ xe cao cấp tại Công ty TNHH Sailun (Trung Quốc) thuộc KCN Phước Đông, huyện Gò Dầu. |
Hỗ trợ nhà đầu tư
Cách đây ba năm, tháng 5-2012, toàn tỉnh Tây Ninh mới chỉ thu hút hơn 1,4 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 206 dự án tại các khu công nghiệp (KCN), thì đến tháng 5-2015, toàn tỉnh có 257 dự án đầu tư (95 dự án trong nước, 162 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2.560 triệu USD và hơn 11.948 tỷ đồng, trong đó có 172 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn này, năm 2014 được xem là năm thành công khi tổng vốn thu hút đầu tư đạt khoảng 820 triệu USD và 1.300 tỷ đồng, tăng 64,35% so với cùng kỳ, vượt 120,5% so với kế hoạch.
Hiểu rõ những điều kiện khách quan lẫn chủ quan, từ năm 2011, Tây Ninh đã có những hướng đi mang tính đột phá, phát huy những lợi thế sẵn có nhằm nâng cao năng lực thu hút đầu tư. Quyết tâm này được thể hiện rõ qua các cuộc xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư vào địa phương đến các nước phát triển trong khu vực, châu Mỹ, châu Úc và châu Âu, bằng một loạt các hoạt động như hội nghị chuyên đề, đón tiếp nhà đầu tư tham quan, quảng cáo trên phương tiện truyền thông... Từ năm 2014, tỉnh tổ chức ba đoàn công tác đi Hàn Quốc, Trung Quốc để gặp gỡ và giới thiệu tiềm năng của tỉnh. Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Tây Ninh Kiều Công Minh cho biết: “Sự hỗ trợ của các nhà đầu tư lâu năm tại tỉnh chính là kênh xúc tiến đầu tư hiệu quả. Những đánh giá của họ về môi trường đầu tư tại Tây Ninh tác động đến nhà đầu tư khác một cách thuyết phục nhất”. Đơn cử, tập đoàn Brotex (Trung Quốc) đã giới thiệu thêm một số nhà đầu tư khác của nước này đến Tây Ninh như Firsteam, Top Gain vào KCN Thành Thành Công; tập đoàn Taekwang, đến từ Hàn Quốc, giới thiệu Công ty JSC vào KCN Phước Đông…
Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư trong tỉnh, nhằm khuyến khích việc đầu tư phát triển cho địa phương, lãnh đạo tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, nhằm hỗ trợ, điều chỉnh các chính sách, cơ chế phù hợp, giúp các doanh nghiệp gắn bó và phát triển. Điều này cũng được thực hiện đối với nhà đầu tư ngoài tỉnh. Tây Ninh luôn coi trọng các nhà đầu tư lâu năm, luôn gần gũi, sẵn sàng lắng nghe những kiến nghị, góp ý của các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho họ mở rộng quy mô đầu tư. Chính thái độ trọng thị đó, Tây Ninh đã nhận được những phản hồi thiết thực nhất từ phía các nhà đầu tư, xây dựng được một môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, thuận lợi.
Đón đầu cơ hội
Tây Ninh hiện có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Tỉnh nằm ở vị trí giao kết của các tuyến giao thông huyết mạch trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công (GMS) với hành lang kinh tế phía nam chạy suốt từ Mi-an-ma qua Thái-lan, Cam-pu-chia tới các cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Việt Nam; có chung cửa khẩu với nước bạn Cam-pu-chia; có đường Hồ Chí Minh chạy qua và dễ dàng tiếp cận các cảng biển cũng như các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Trong tương lai, Tây Ninh hứa hẹn là điểm trung chuyển, tiếp vận, tập kết và phân phối hàng hóa của cả khu vực ASEAN và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, khi các quốc gia trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN triển khai những động thái liên kết kinh tế vùng.
Để nắm bắt cơ hội và lợi thế đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình, nhằm “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư. Đơn cử như, chương trình đầu tư hạ tầng, một trong các khâu đột phá giai đoạn 2011-2015. Để có quỹ đất “sạch”, Tây Ninh huy động nguồn vốn từ nội lực, đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn quỹ đất cho nhà đầu tư khi dự án được cấp giấy chứng nhận; thực hiện nghiêm việc rà soát, công bố Bộ thủ tục hành chính của cơ quan theo hướng dẫn của phòng kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh. Theo Phó Trưởng ban Kiều Công Minh, từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN, khu kinh tế, như Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong các KCN, khu kinh tế đã được UBND tỉnh ban hành, tạo cơ sở pháp lý quản lý có hiệu quả; về hạ tầng giao thông, đoạn đường 782-784 đi ngang KCN Phước Đông và đường 787A vào KCN Thành Thành Công đã được mở rộng, nâng cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2015-2016; dự án “Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng Mê Công mở rộng” (GMS), mở ra triển vọng hoàn chỉnh hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Bên cạnh đó, hạ tầng KCN Phước Đông, KCN Thành Thành Công bước đầu được hình thành, hiện đã và đang tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh và bắt đầu phát triển; tổng diện tích đất còn lại có thể cho thuê tại các KCN, khu chế xuất là 1.123,57 ha (trong đó Linh Trung III 24,43 ha, Thành Thành Công 400,64 ha, Phước Đông 693,58 ha, Chà Là 4,92 ha), góp phần bảo đảm quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trong các năm tiếp theo.
Một trong những định hướng tập trung thu hút đầu tư của Tây Ninh là các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp khác, các dự án có hàm lượng kỹ thuật khá, thân thiện với môi trường và đào tạo nguồn nhân lực. Hạn chế thu hút những lĩnh vực phi sản xuất làm tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên và đất đai, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động. Để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, tỉnh hình thành phân khu dệt - may và công nghiệp hỗ trợ tại KCN Phước Đông, KCN Thành Thành Công.
Từ những hoạt động thu hút đầu tư khá hiệu quả đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế của Tây Ninh, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 45 nghìn lao động trên địa bàn. Trong những năm tiếp theo, Tây Ninh tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh để thu hút doanh nghiệp đến với Tây Ninh, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu, hoạt động của các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn.
Trần Quang Quý (Nhân dân điện tử)