Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2016 dự báo đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với trên 100.000 doanh nghiệp, nhưng dường như “sân chơi” đang thu hẹp lại đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2016 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày trước các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra hai ngày vừa qua dường như đã phác họa cơ bản tình hình kinh tế của cả năm 2016. Hàng loạt vấn đề như tăng trưởng khó đạt mục tiêu đã đề ra, lạm phát tiến sát mục tiêu 5%, thu ngân sách nhà nước còn cách khá xa dự toán, chỉ số giá USD có dấu hiệu “tăng nhiệt”…, cho thấy bức tranh kinh tế chung đang khó khăn.
Điều này đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động của các doanh nghiệp. Ngân sách nhà nước đang thất thu từ khối doanh nghiệp nhà nước khi mới đạt 68,9% kế hoạch năm, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 86,4%.
Đến hết tháng 11/2016, cả nước có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - là con số cao nhất từ trước đến nay
Điểm đáng chú ý là, trong 11 tháng năm 2016, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động sản tăng mạnh và tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp thành lập mới.
Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2016, cả nước có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đạt được kết quả này là nhờ hiệu quả bước đầu của “khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển”. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 11 tháng lại tăng tới 23,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái là giảm 2,2%.
Vấn đề doanh nghiệp ra đời, tham gia và giải thể từng được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận định là điều bình thường, phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu tự nhiên và năng động của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, việc số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh cũng có thể cho thấy, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đang ngày càng gay gắt, dồn các doanh nghiệp nhỏ vào thế khó.
Trong số 10.468 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 11 tháng, có tới 93,3% là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng - nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Ở chiều ngược lại, so với tỷ lệ tăng của số doanh nghiệp thành lập mới, tỷ lệ tăng tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp này cao hơn rất nhiều, với mức tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 797.700 tỷ đồng. Như vậy, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong 11 tháng năm 2016, các doanh nghiệp đang kinh doanh đã đăng ký tăng vốn thêm tổng cộng 1.463.900 tỷ đồng.
Có thể nói, quyết tâm cải thiện điều kiện kinh doanh của Chính phủ, cùng với phong trào khởi nghiệp thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực khi vốn tăng thêm của các doanh nghiệp tăng mạnh, cũng như số lượng doanh nghiệp mới thành lập cao nhất từ trước đến nay.
Thế nhưng, những con số trên cũng cho thấy, ngoài các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn dồi dào đang tận dụng tốt lợi thế, thì các doanh nghiệp yếu thế hơn hoặc phải tăng vốn để cạnh tranh, hoặc ngậm ngùi giải thể. Thậm chí, để gia nhập thị trường, vốn cũng là điều kiện tất yếu trong bối cảnh mới. Vẫn theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 11 tháng, tăng mạnh nhất cả về số lượng và quy mô vốn đều là các ngành cần vốn đầu tư lớn, như bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp chế biến và chế tạo. Cụ thể, kinh doanh bất động sản tăng 95,6% về số doanh nghiệp và tăng 221,2% về vốn đăng ký; tài chính - ngân hàng tăng 28,4%, bảo hiểm tăng 91,8%, công nghiệp chế biến tăng 22,6%, công nghiệp chế tạo tăng 86,1%.
Để giải bài toán về vốn của doanh nghiệp nhỏ, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp vừa qua đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các ngân hàng, doanh nghiệp lớn cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cần mở rộng thế chấp bằng động sản (chứng từ mua bán, các khoản phải thu, phải trả, sở hữu trí tuệ, thương quyền…) đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận với vốn ngân hàng.
Ngoài ra, để các doanh nghiệp này có thể có lãi và tích lũy, cần giảm một số thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT)…
Kỳ Thành / baodautu