Chưa bao giờ kinh tế thế giới lại rơi vào tình trạng bất định như nửa cuối năm 2016, khiến cho hầu hết các dự báo trước đó đều có độ vênh khá lớn so với thực tế. Bức tranh kinh tế năm 2017, vì thế, không dễ hình dung.
Đến thời điểm này có thể khẳng định sự sụp đổ của nền kinh tế Anh sau Brexit hay thảm kịch trên sàn chứng khoán thế giới sau ngày ông Donald Trump đắc cử đã không xảy ra. Cũng thật bất ngờ khi chỉ trong 1 tuần, vào ngày 30/11, OPEC đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác và chỉ vài ngày sau giá dầu đã tăng đáng kể…
Biến động, bất ngờ không hoàn toàn là bất lợi
Trong chuỗi sự kiện ngoài dự đoán, cần phải kể đến việc Trung Quốc đã không “hạ cánh cứng”. Sau một thời kỳ tăng trưởng ở mức 2 chữ số, giờ đây nền kinh tế này đang tăng trưởng với tốc độ có thể nói là hợp lý. Nước Nga, trong bối cảnh bị cấm vận khá căng thẳng, về cơ bản vẫn giữ được sự ổn định.
Đặc biệt, việc ông Donald Trump với quan điểm tập trung phát triển trong nước, vì nước Mỹ và các công dân Mỹ hơn, có thể tạo điều kiện cho Mỹ tăng trưởng ở mức trên 2%, giúp cho sức mua của tầng lớp lao động trung lưu và bình dân – khách hàng mục tiêu của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam – tăng trưởng.
Trong nước, năm 2016 cũng có nhiều nét đặc thù vì phải tập trung cho công tác tổ chức, ổn định bộ máy nhà nước, ứng phó với một số rủi ro trong quá trình phát triển kinh tế, tiêu biểu là sự cố môi trường biển ở một số tỉnh miền Trung.
Nhưng có thể nói năm 2016 cũng mở ra một hướng đi mới, phần nào củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là việc Chính phủ khẳng định phương châm “kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân”; Quốc hội sẵn sàng sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật tuy mới ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tế. Mức độ công khai, minh bạch được cải thiện trong nhiều vấn đề như nợ công, nợ Chính phủ, thậm chí là đóng góp ngân sách của các địa phương.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh về cả số lượng và lĩnh vực hoạt động. Năm 2001 có 6.000 doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong 60 ngành, lĩnh vực thì tính đến tháng 10/2016, tổng số doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 718 doanh nghiệp, hoạt động ở 19 ngành, lĩnh vực; đa số là doanh nghiệp có quy mô lớn.
Đáng nói là sau nhiều năm trì hoãn, Nhà nước đã chấp nhận thoái vốn công khai khỏi một số doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn có lãi, thể hiện mong muốn khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình phát triển đất nước, dù bước đi còn rụt rè, chậm chạp hơn kỳ vọng.
Tất nhiên, nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn khỏe mạnh. Những nhược điểm cốt tử về cơ cấu chưa được khắc phục tận gốc, nợ xấu vẫn đang ở mức cao, nợ xấu ngoại bảng xử lý chậm, khối doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển bền vững và đang có xu hướng “lít nhít hóa” so với 5 năm trước, nghĩa là đông, nhưng chưa mạnh. Như thế, khối này đang phải đối phó với khó khăn kép: trong khi quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, thì chi phí hoạt động lại cao, do giá vốn vẫn cao.
Kịch bản phát triển nào cho năm 2017?
Trong bối cảnh đã hội nhập sâu rộng, những biến động bên ngoài nhất định có tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế Việt Nam. Dù vẫn còn hơi sớm để tiên liệu cụ thể, bởi cho đến thời điểm này khung chính sách của tổng thống đắc cử Mỹ chưa định hình, cũng như nhiều quan hệ quốc tế khác trong khu vực và trên thế giới vẫn chưa ngã ngũ, song tại kỳ họp Quốc hội cuối năm vừa qua, khung chính sách cho năm 2017 đã cơ bản định hình.
Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,7% – như Quốc hội đã thông qua – có thể đạt được, nếu năm 2017 chúng ta thực hiện được kế hoạch đã đặt ra. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đó là những nhiệm vụ không đơn giản, có thể mất tới vài ba năm mới hoàn thành.
Trong số đó, cam go nhất có lẽ là nhiệm vụ xử lý nợ xấu nhằm kéo giảm giá vốn vay, một việc chắc chắn cần đến nguồn lực tài chính rất lớn và khó làm được triệt để trong năm 2017. Khả thi hơn, chúng ta nên đặt mục tiêu xử lý từ 20 đến 30% số nợ mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được trong thời gian vừa qua để tạo điều kiện hạ giá vốn trong những năm tiếp theo. Phải coi đây là một mục tiêu ưu tiên trong năm 2017.
Đối với sản xuất công nghiệp, dù Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP có được thực hiện hay không, thì vẫn cần tập trung nguồn lực của đất nước để phát triển công nghiệp dệt may và da giày, vì nếu không dồn lực đầu tư từ bây giờ thì sẽ hết cơ hội. Lợi thế của Việt Nam ở hai ngành này chỉ giới hạn ở một không gian và thời gian nhất định, có thể không lâu hơn năm 2019.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 3D, rất nhiều ngành sản xuất, dịch vụ, trong đó có ngành may mặc (phân khúc chất lượng cao và sản phẩm chuyên biệt như quần áo thể thao, quần áo dành cho người già, người khuyết tật…), đang quay lại nước Mỹ và một số nước phát triển khác. Vì thế, ở những trung tâm công nghiệp lớn, có thể áp dụng được thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 vào dệt may, da giày thì phải dồn sức làm ngay.
Đối với nông nghiệp, Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố cuối tháng 9-2016, cho rằng, những lo ngại về tình hình chuyển đổi đất nông nghiệp sang những mục đích phi nông nghiệp một cách tràn lan, thiếu kiểm soát là xác đáng, nhưng trong khi đảm bảo mục đích sử dụng cho nông nghiệp, nhà nước cũng cần mở rộng khả năng lựa chọn, tạo linh hoạt về sử dụng đất để nâng cao phúc lợi cho nông dân, quản lý rủi ro thời tiết, rủi ro sản xuất cũng như các rủi ro thị trường khác; đồng thời thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp.
Một đặc điểm quan trọng trong sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp ở Việt Nam là tính nhỏ lẻ. Tình trạng rất phổ biến là mỗi hộ có thể có tới 3-4 thửa ruộng ở các vị trí khác nhau, tất cả đều có diện tích không lớn.
Các chương trình “dồn điền đổi thửa” và “cánh đồng mẫu lớn” đã được khởi động nhiều năm nay, tuy có những kết quả nhất định (số thửa bình quân của mỗi hộ giảm từ 4,27 năm 2004 xuống còn 2,83 năm 2014), nhưng tình trạng manh mún, phân tán vẫn rất phổ biến, cản trở việc xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa với hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Để góp phần giải quyết tình trạng này, nhà nước cần đứng ra thành lập mô hình ngân hàng đất nông nghiệp, phát triển thị trường cho thuê đất với mục đích canh tác. Theo đó, chính quyền địa phương thành lập cơ quan giao dịch đất đai, cơ quan này có chức năng cung cấp thông tin, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Nhà nước hỗ trợ bằng các hình thức bảo lãnh tiền vay và cung cấp vốn ưu đãi cho các dự án đầu tư trang trại lớn; đồng thời hình thành thị trường dịch vụ cơ giới hóa hoạt động tích cực.
Ở đây có một câu chuyện rất lớn là cần điều chỉnh khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai trong Luật Đất đai 2013 theo hướng chỉ bao gồm tài nguyên đất là tư liệu sản xuất (không bao gồm đất ở). Phải theo hướng đó mới có cơ sở pháp lý để thiết kế, vận hành ngân hàng đất như đã nói ở trên.
Mong doanh nghiệp Việt đừng… sĩ diện hão
Có một thực tế không mấy vui là hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có một lịch sử phát triển hàng trăm năm như ở các nền kinh tế phát triển; nhưng khi có chút vốn liếng trong tay thường thích sắm sửa, xây dựng cơ ngơi “khủng”, đi ô tô xịn; trong khi lại ít chịu tìm hiểu và ngại bỏ tiền đầu tư cho công nghệ mới.
Trình độ doanh nhân ta nhìn chung chưa đạt ngưỡng quản trị doanh nghiệp tiên tiến của OECD, mà vẫn nặng tính gia đình chủ nghĩa.
Quan sát hoạt động thương trường, tôi thấy có hai câu chuyện rất đáng suy nghĩ. Chuyện thứ nhất liên quan đến ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Năm 2010, ông Long là người thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai, tậu máy bay riêng. Năm 2014, ông Long đã lặng lẽ bán chiếc máy bay này và di chuyển bằng máy bay thương mại.
Chuyện thứ hai liên quan đến hãng hàng không Air Mekong của doanh nhân Đoàn Quốc Việt. Là một doanh nhân từng thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và thương mại dịch vụ tại Ba Lan, ông Việt thành lập “sếu đầu đỏ” năm 2009 và “sếu” chính thức ngừng bay từ năm 2013.
Quyết định đóng cửa Air Mekong, chấp nhận thua lỗ trên dưới nghìn tỷ đồng là một quyết định đau đớn nhưng đúng đắn của ông Đoàn Quốc Việt. Nhờ dừng lại đúng lúc, ông Việt đã giữ lại được nhiều dự án bất động sản và công nghệ nông nghiệp sinh lời tốt mà không “đốt” chúng theo giấc mơ bay – tuy đẹp, nhưng chưa phù hợp với năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp…
Tất nhiên, đây là việc rất khó. Không phải ai cũng dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế để tự cắt bỏ những gì vướng víu, không hiệu quả, thậm chí ốm bệnh đến mức không thể chữa. Quốc hội vừa qua đã phải rà soát lại những dự án đầu tư từ ngân sách thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng như Giấy Long An, cảng Đình Vũ… Nếu dừng lại sớm hơn, có lẽ con số thua lỗ từ những dự án này đã không lớn đến như vậy.
Vì vậy, mong rằng các doanh nhân Việt sang năm 2017 giữ được cái đầu tỉnh táo về kinh tế và trái tim nhiệt huyết cống hiến cho doanh nghiệp mình, cho đất nước.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
DĐDN