Từ thực tế năm 2016 và mục tiêu năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội, việc nâng cao chất lượng tăng trưởng được xem là vấn đề mấu chốt của năm 2017.
Nhìn tổng quát, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 đều cao hơn ước thực hiện năm 2016: tăng trưởng cao hơn với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn, CPI tăng thấp hơn, bội chi ngân sách/GDP thấp hơn, giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP. Như vậy, có thể thấy, mấu chốt trong năm 2017 là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, để đạt được mục tiêu cuối cùng không chỉ dựa vào tốc độ tăng trưởng cao nhất thời, mà ở sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Muốn đạt được sự bền vững đó phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng.
Thực tế, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, theo số lượng có nhiều hạn chế.
Thứ nhất, mô hình này là dựa chủ yếu vào vốn đầu tư. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thường rất cao (thời kỳ 2001 - 2010 bình quân trên 39%, có năm lên tới 44% - đứng hàng đầu thế giới, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tiết kiệm/GDP). Từ năm 2011, tỷ lệ này đã giảm xuống (bình quân thời kỳ 2011 - 2015 là 31,7%, năm 2015 và 2016 là 32,6%), nhưng vẫn còn cao hơn tỷ lệ tiết kiệm. Do nguồn có hạn, cân đối ngân sách khó khăn, tỷ lệ bội chi/GDP vượt dự toán, vượt quá mức an toàn, làm cho tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài tăng.
Nguồn: - Thực hiện 2016: Tổng cục Thống kê - Kế hoạch 2017: Nghị quyết Quốc hội
Thứ hai, dựa chủ yếu vào số lượng lao động dồi dào, giá rẻ, nhưng Việt Nam đã bước nhanh vào thời kỳ dân số già. Tốc độ tăng năng suất lao động khá, nhưng mức năng suất lao động thấp xa so với nhiều nước.
Thứ ba, dựa chủ yếu vào tài nguyên, thiên nhiên, nhưng trữ lượng có hạn, khai thác khó khăn, có loại đã phải nhập khẩu. Mật độ dân số cao thứ 3 khu vực; diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người hiện ở mức thấp và đang giảm nhanh. Giá nguyên liệu thô và nông, lâm, thủy sản bị giảm.
Xuất khẩu có vai trò lớn, với một số điểm nổi bật. Quy mô tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 349,2 tỷ USD. Hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu/tốc độ tăng GDP khá cao; năm 2016 tuy thấp hơn các năm trước, nhưng vẫn đạt khoảng 1,2 lần. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/GDP đã vượt quá 80%, năm 2016 có thể cán mốc 85%. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu hàng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến còn cao, tính gia công, lắp ráp còn lớn, nên thực thu ngoại tệ còn nhỏ; xuất siêu năm 2016 do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu chiếm tỷ trọng thấp và nhập siêu lớn.
Mô hình tăng trưởng cũ bị hạn chế về nguồn lực và dễ gây ra bất ổn vĩ mô, nên đã đến lúc phải nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng mới có ưu thế là có nguồn gần như vô hạn, không gây ra bất ổn vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Năm 2017, tăng trưởng cao hơn, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn. Khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn, thì con đường để có tốc độ tăng trưởng cao hơn là nâng cao hiệu quả đầu tư.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần làm tốt quy hoạch, tránh manh mún, dàn trải; giảm thiểu xin - cho; lựa chọn ngành, lĩnh vực, công trình, công nghệ; đẩy nhanh tiến độ thi công, tránh lãng phí, thất thoát; giảm tiêu hao năng lượng. Đồng thời, chuyển dịch mạnh cơ cấu vốn đầu tư theo hướng đẩy mạnh khởi nghiệp để tăng mạnh tỷ trọng đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước...
Tăng trưởng kinh tế cao hơn để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn, đồng thời giảm bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài/GDP, giảm CPI... là một bài toán không dễ giải. Nhưng nếu không nâng cao chất lượng tăng trưởng, thì mục tiêu tăng trưởng cũng khó đạt hoặc nếu có đạt được thì lại gây ra những bất ổn vĩ mô. Ổn định vĩ mô là điều kiện của tăng trưởng và thực tế, “chữa” bất ổn vĩ mô khó và tốn kém (thời gian, công sức, nguồn lực...) hơn “chữa” các vấn đề cụ thể.
Minh Nhung / baodautu