Mặc dù vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng nền kinh tế 4 tháng đầu năm 2016 đã bộc lộ nhiều bất cập và thử thách lớn khi tăng trưởng chững lại và lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng cao.
Nền kinh tế đang gặp những thử thách lớn. Ảnh minh họa
Tăng trưởng chững lại
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia xu thế tăng trưởng dài hạn tiếp tục được cải thiện dù nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tăng trưởng GDP quý I/2016 thấp hơn 0,66 điểm % so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 đạt 5,46%, quý I/2015 đạt 6,12%) do các ngành có tốc độ tăng không đồng đều.
Nguyên nhân được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra là do cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế đều tăng chậm hoặc gặp khó khăn.
Theo đó, tổng cung của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài,... tác động tiêu cực đến khu vực nông nghiệp (chỉ tăng trưởng -2,69%).
Tốc độ tăng GDP theo ngành quý I các năm 2010 - 2016. Nguồn: TCTK,UBGS
Mặt khác giá dầu thô thấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai khoáng (tăng trưởng -1,2%). Sản lượng điện thoại di động giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ 2015 tăng 105%) khiến tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (chỉ số quý I/2016 chỉ đạt 7,9% trong khi quý I/2015 đạt 9,51%).
Cùng với đó, tổng cầu cũng tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, biểu hiện khá rõ nét ở tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2016 (loại trừ yếu tố giá) giảm 1,3% so với tốc độ tăng của quý I/2015 (4 tháng đầu năm 2016 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2015).
Nhập khẩu hàng hóa giảm trong khi xuất khẩu tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2016 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015 (4 tháng đầu năm 2016 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước).
Kim ngạch xuất khẩu quý I/2016 tăng 4,1% so với cùng kỳ, trong khi quý I/2015 tăng 16,3% (4 tháng đầu năm 2016 tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này của 4 tháng đầu năm 2015 là 8,2%).
Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu 1,46 tỷ USD (cùng kỳ năm 2015 nhập siêu gần 3 tỷ USD).
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng giảm trong quý I/2016 do thành phần tăng trưởng ngắn hạn giảm, trong khi thành phần tăng trưởng dài hạn có sự cải thiện. Tăng trưởng trong ngắn hạn giảm ngoài nguyên nhân từ tổng cung nêu trên còn do tính chu kỳ của thành phần tăng trưởng ngắn hạn.
Tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, giai đoạn phục hồi của tăng trưởng ngắn hạn (chu kỳ kinh tế) đã đạt đỉnh vào quý II/2015 và chuyển sang giai đoạn suy giảm từ quý III/2015.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận, mặc dù tăng trưởng trong ngắn hạn đang chịu tác động của yếu tố chu kỳ kinh tế, song những chính sách hướng đến nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn (như cải cách thủ tục hành chính, cải cách luật đầu tư, luật doanh nghiệp, ký kết các hiệp định thương mại FTAs, TPP,...) đang tiếp tục phát huy tác dụng khiến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế duy trì được xu hướng đi lên tích cực.
Tuy nhiên, cũng theo cơ quan này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 sẽ đòi hỏi những nỗ lực, quyết tâm lớn.
Lạm phát sẽ tăng?
Báo cáo tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm 2016 của UBGS cũng cho thấy, xu thế dài hạn của lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2015 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2015, mức cao nhất kể từ năm 2012.
Nguyên nhân lạm phát tháng 4 tăng chủ yếu là do sự tăng giá của nhóm lương thực (tăng 1,11%). Do đó, lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định ở mức 1,76% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2015 tăng 2,2%).
"Phân rã lạm phát cho thấy, thành phần lạm phát có tính chu kỳ sau 12 tháng giảm liên tiếp kể từ tháng 11/2014 đã liên tục tăng kể từ tháng 12/2015 đến nay, báo hiệu một chu kỳ tăng giá đang diễn ra", báo cáo cho hay.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo lạm phát năm 2016 sẽ tăng so với năm 2015, nhưng mức tăng không lớn và chỉ ở mức 3 - 4%, nhờ điều kiện thuận lợi về giá hàng hóa thế giới và tổng cầu tăng chậm.
Về tình hình thu chi ngân sách trong 4 tháng đầu năm 2016, tính lũy kế đến 15/4, thu ngân sách nhà nước giảm 3% so cùng kỳ 2015 (cùng kỳ 2015 tăng 11%).
Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu tiếp tục giảm mạnh, giá thanh toán bình quân giảm 24 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán ảnh hưởng đến thu từ dầu thô (giảm 45,3% so cùng kỳ 2015).
Nguồn: TCTK/UBGSTCQG
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng đạt thấp tác động đến thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (giảm 23,7% so cùng kỳ 2015). Cộng với việc thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh khiến thu nội địa tăng thấp (chỉ ở mức 6,3% so với 20,5% của cùng kỳ 2015).
Tốc độ tăng chi đầu tư phát triển cũng chậm hơn cùng kỳ 2015. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 318.200 tỷ đồng, bằng 25% dự toán, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 17,1% của cùng kỳ 2015).
Trong đó, có một số tín hiệu đáng chú ý: Tốc độ tăng chi trả nợ và viện trợ giảm (giảm -5,8% so với mức tăng 32,7% của cùng kỳ 2015); tăng chi đầu tư quý I/2016 giảm rất mạnh so với cùng kỳ 2015 (6,8% so với 31,5%).
Chi thường xuyên cũng giảm mạnh tới 4 lần so với cùng kỳ 2015, kết quả thu chi cho thấy bội chi ngân sách nhà nước lên tới 63.850 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ 2015.
Vũ Kỳ / BizLIVE