Hải Phòng đang là địa phương đi đầu trong cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo nền tảng vững chắc phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020.
Ngày 12/7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn nút khởi công giai đoạn I dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên, Hải Phòng, do Vingroup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng |
Tăng trưởng xanh dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu.
Dịch chuyển
Trước đây, kinh tế Hải Phòng mang nặng sắc thái “nâu” nổi tiếng như: Hàng loạt các nhà máy kết cấu thép ra đời. Đến nỗi, TP Cảng có thêm danh hiệu “TP thép”. Tiếp đó ngành “công nghiệp đóng tàu” cũng nổi lên như cồn, nhưng sau đó hai ngành này đều chững lại rồi đình chệ, phát sinh hàng loạt máy móc thiết bị lạc hậu khi vận hành gây chất thải gây ô nhiễm môi trường…
Sau bài học nhãn tiền đó, Hải Phòng cương quyết từ chối cấp phép cho các dự án có nguy cơ ô nhiễm cao. Cụ thể: Dự án sản xuất phân đạm trị giá 300 triệu USD tại huyện Thủy Nguyên; dự án dệt nhuộm 90 triệu USD xin được đầu tư vào Hải Phòng nhưng xét thấy các dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên UBND TP Hải Phòng kiên quyết từ chối. Từ năm 2012 đến nay, Hải Phòng kiên quyết không biểu dương, khen thưởng các DN đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc chưa có hành động thiết thực, cụ thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chính DN gây ra.
Tư duy toàn cầu
Hiện nay, để chuyển đổi từ mô hình kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”, TP Hải Phòng đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với TP cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ như cầu và đường Tân Vũ – Lạch Huyện, cảng cửa ngõ, cảng Hải Phòng, cảng khu kinh tế Cát Bi, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cầu Bạch Đằng và thực hiện các chương trình nông thôn mới. Hướng phát triển kinh tế xanh của Hải Phòng khá rõ khi càng ngày, TP càng thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, công nghệ cao của những nhà đầu tư tên tuổi lớn như Bridgestone, LGE, Fuji Xerox, Kyocera… Gần đây nhất, ngày 12/7/2015 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn nút khởi công giai đoạn I dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên. Dự án do Vingroup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng… và rất nhiều DN lớn khác của Nhật Bản, Mỹ châu Âu, hiện diện tại Hải Phòng, là minh chứng rõ nét cho định hướng đó.
Mới đây, Hải Phòng là một trong 17 TP lớn trên thế giới như London (Anh), Toronto (Canada), Barcelona (Tây Ban Nha), Helsinki (Phần Lan), Dubai (Tiểu vương quốc A rập)… giữ vai trò sáng lập của Hội đồng thế giới về dữ liệu quản lý TP (WCCD). Với vai trò này, TP càng thêm quyết tâm tập trung vào mục tiêu phát triển TP xanh, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, đô thị có khả năng cạnh tranh. Hải Phòng cùng cam kết xây dựng và thực hiện bộ chỉ số đô thị toàn cầu theo tiêu chuẩn ISO 37120, phấn đấu trở thành TP đáng sống, TP có giá trị, có sức cạnh tranh cao…
Tại hội thảo: “Diễn đàn chính sách tăng trưởng xanh đô thị Châu Á năng động” của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) vừa qua, Hải Phòng là 1 trong 3 TP, cùng Bangkok (Thái Lan), Joho Rans (Malaysia) được chọn làm điểm để OECD hỗ trợ mỗi TP về chính sách và 200.000 EUR triển khai trong hai năm 2014 – 2015. Đây là sự hợp tác đầu tiên giữa OECD, một tổ chức của cộng đồng các quốc gia mạnh về kinh tế của châu Âu và TP Hải Phòng. Sự thành công khi triển khai dự án do OECD tài trợ sẽ thu hút thêm một đối tác mới về phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường bên cạnh các tổ chức quốc tế đã và đang hợp tác với Hải Phòng như WB, JICA, KOICA…, chứng tỏ về những hành động của Hải Phòng về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đã mang tính tư duy toàn cầu.
Minh Huệ - DĐDN