Sáng 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2016. Tại Hội nghị, Chính phủ đã công bố một số kết quả kinh tế - xã hội năm 2016.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, bước vào thực hiện kế hoạch, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức lớn.
“Với những đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân, chúng ta đã vượt qua những khó khăn và đã thu được nhiều kết quả tích cực trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội”, Báo cáo nêu rõ.
Về tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước phục hồi, tăng trưởng đạt 1,36%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,57%; dịch vụ tăng trưởng cao 6,98%.
Về chỉ sổ giá tiêu dùng(CPI), CPI tháng 12/2016 tăng 0,23% so với tháng trước; tăng 4,74% so tháng 12 năm trước, bình quân năm 2016 so năm 2015 tăng 2,66%. Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 1,87% so với tháng 12/2015; bình quân cả năm 2016 tăng 1,83% so với năm trước.
Nh vậy, cả GDP và CPI năm 2016 đều thấp hơn so với mục tiêu đặt ra cho năm 2016 là 6,7% và 5%.
Về thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng: Tính đến ngày 20/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47% so với cuối năm 2015; huy động vốn tăng 16,88%; tín dụng tăng 16,46%.
Về thu chi ngân sách nhà nước: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đến ngày 15/12/2016 đạt 93% dự toán (cùng kỳ đạt 97,1% dự toán), trong đó: thu nội địa đạt 94,9% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 102,9% dự toán); thu từ dầu thô đạt 69,2% dự toán (bằng 60,4% so với cùng kỳ năm 2015); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 90,8% dự toán. Thu ngân sách trung ương mới đạt khoáng 83% dự toán, thấp hơn cùng kỳ năm trước (đạt 89,3% dự toán).Tổng chi NSNN lũy kế đến 15/12/2016 đạt 89,2% dự toán.
Về đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2016 ước đạt 1.485,1 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33% GDP (cùng kỳ đạt 32,6% GDP).
Giải ngân vốn NSNN đạt 81,6% kế hoạch, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước đạt 79% kế hoạch), vốn trái phiếu Chính phủ đạt 55,2% kế hoạch.
Tổng số vốn FDI thực hiện đến ngày 26/12/2016 ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%; tổng vốn đăng ký ước đạt 24,372 tỷ USD, tăng 7,1%.
Tổng sổ vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ký kết đạt khoảng 5.377,7 triệu USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Ước cả năm giải ngân đạt 3.700 triệu USD, bằng 80,4% mức giải ngân năm 2015 (4.600 triệu USD).
Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8 6%. Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2016 ước đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6%. Năm 2016, cả nước xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu.
Về phát triển doanh nghiệp, năm 2016 cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Về các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, lao động việc làm, an sinh xã hội, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được quan tâm, từng bước hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả.
Thanh Huyền / baodautu