GDP quý I/2017 ước tăng 5,1%, thấp hơn so với tăng trưởng của quý I các năm 2015 và 2016. Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm, đòi hỏi những giải pháp bứt phá.
Kinh tế tăng trưởng thấp
Số liệu đã chính thức được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng GDP quý I/2017 ước đạt 5,1%. Bình luận về con số này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thừa nhận: “Kinh tế đang tăng trưởng chậm lại”.
Dấu hiệu tăng trưởng chậm lại khá rõ, bởi dù vẫn cao hơn tăng trưởng của quý I các năm 2012 -2014 (tương ứng là 4,75%; 4,76% và 5,06%), song GDP quý I năm nay lại tăng trưởng thấp hơn mức tăng 6,12% của quý I/2015 và 5,48% của quý I/2016.
Thúc đẩy cầu tiêu dùng được coi là một trong những động lực để tạo sự bứt phá cho nền kinh tế trong ba quý cuối năm. Ảnh: Đức Thanh
Không quá khó để lý giải thực tế trên, nếu nhìn vào các số liệu thống kê khác. Chẳng hạn, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng trưởng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) phân tích thêm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp, chỉ ở mức 8,3% - thấp hơn so với mức tăng 8,94% của cùng kỳ năm 2016. Sự sụt giảm sản xuất của Samsung là một trong những nguyên nhân khá cơ bản dẫn tới điều này.
“Vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay chính là sản xuất. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng quá thấp, chứ không hẳn là tại khai khoáng”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh thừa nhận.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2017, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong khu vực kinh tế này, ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan, với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chuyên gia Cao Viết Sinh cho rằng, mức đóng góp của nông nghiệp là chưa đáng kể.
“Thực ra, mức tăng trưởng của nông nghiệp quý I năm nay mới chỉ đủ bù đắp cho sự sụt giảm của năm ngoái, tương đương mức tăng trưởng của quý I/2015, do đó đóng góp cho tăng trưởng không nhiều”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Trong khi đó, dù những chỉ số về đăng ký thành lập doanh nghiệp mới là khá tích cực, năm ngoái có trên 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập và quý I năm nay có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 271.200 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016, nhưng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế lại chưa được như kỳ vọng.
“Trong số 110.000 doanh nghiệp đã đã đăng ký kinh doanh năm ngoái, có 98.700 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, chiếm tỷ lệ lớn. Tuy vậy, đóng góp cho sản xuất lại không nhiều, chỉ khoảng 13% trong số này là hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, còn lại hầu hết là ở khu vực phi sản xuất”, ông Nguyễn Bích Lâm thừa nhận và cho rằng, khó có thể chỉ nhìn vào số lượng hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới để kỳ vọng nền kinh tế sẽ bứt phá mạnh.
Thêm nữa, chỉ riêng việc quý I/2017, cả nước nhập siêu tới 1,9 tỷ USD cũng đã làm giảm tới 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Cần động lực để bứt phá
Sự chững lại của nền kinh tế khá rõ ràng. Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý I/2017, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, nếu không có sự bứt phá ở những quý sau thì nền kinh tế khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Còn nhớ, năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%. Nhưng sau quý I, khi tăng trưởng GDP được công bố ở mức 5,48%, không ít chuyên gia đã lo ngại về khả năng hoàn thành kế hoạch. Và cuối cùng, dù rất nỗ lực, GDP năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,21%.
Còn năm nay, mục tiêu là 6,7%, trong khi tăng trưởng quý I chỉ là 5,1%. Có nghĩa rằng, tình hình có thể còn khó khăn hơn năm ngoái. “Theo tính toán của chúng tôi, để đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, trong 9 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 7%. Đây là con số không dễ đạt được”, ông Lâm thừa nhận.
Vậy đâu sẽ là động lực để tạo sự bứt phá cho nền kinh tế trong ba quý cuối năm? Câu trả lời của ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, đó là nên tập trung vào các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển, làm sao để người dân bỏ nhiều vốn hơn vào sản xuất - kinh doanh. “Hiện nay, quy mô vốn của các doanh nghiệp mới chỉ khoảng 10 tỷ đồng, còn rất thấp. Phải có chính sách để động viên họ đổ vốn nhiều hơn vào nền kinh tế”, ông Ân nói.
Trong khi đó, chuyên gia Cao Viết Sinh đã nhắc đến câu chuyện sức mua, chuyện cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I năm nay, nếu trừ đi yếu tố giá cả thì chỉ còn tăng 6,2%, thấp hơn đáng kể mức tăng 7,5% của cùng kỳ. Một khi cầu chưa được cải thiện, sẽ tác động lớn tới động lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, và qua đó, tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
“Phải có các giải pháp để thúc đẩy cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Hiện nay, vốn đầu tư tuy đăng ký lớn, gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng giải ngân còn thấp. Vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng chậm, trong khi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì đây là yếu tố rất quan trọng”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Còn ông Nguyễn Bích Lâm đã nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
“Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để huy động vốn đầu tư công cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và có chính sách thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước; tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng nhập khẩu”, ông Lâm nói.
Hà Nguyễn