Theo Báo cáo Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Chính phủ tại phiên họp ngày 29/10, đáng chú ý là CPI và tăng trưởng tín dụng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
1. Về phát triển các ngành, lĩnh vực
- Sản xuất nông nghiệp trong tháng 10 tập trung chủ yếu vào công tác chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước. Các địa phương phía Bắc đã thu hoạch lúa mùa được 70,4% diện tích gieo cấy, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch lúa thu đông được 54,8% diện tích gieo cấy và bằng 136,9% cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định do nguồn thức ăn dồi dào, không xảy ra dịch bệnh và giá bán có lợi cho người chăn nuôi. Diện tích rừng trồng mới tập trung 10 tháng ước giảm 6,6% so với cùng kỳ, trong khi đó, diện tích rừng bị thiệt hại tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm tăng 7,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 9,8% cùng kỳ, chủ yếu do ngành khai khoáng tiếp tục giảm mạnh (10 tháng giảm 5,5%). Các ngành công nghiệp khác đều tăng cao hơn cùng kỳ.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2016 ước tăng khoảng 9,3% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4% (cùng kỳ tăng 8,5%). Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng ước tăng 25,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,1%).
2. Về xuất nhập khẩu: xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ thấp hơn cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng tăng khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015, là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm ước tăng 2,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,3%). Xuất siêu 10 tháng bằng 2,44% tổng kim ngạch xuất khẩu.
3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,83% so với tháng trước, tăng 4% so với tháng 12/2015 và tăng 4,09% so với cùng kỳ. CPI bình quân 10 tháng tăng 2,27% so với bình quân cùng kỳ.
4. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực, đến ngày 20/10/2016 tín dụng đối với nền kinh tế tăng 11,81% (cùng kỳ năm 2015 tăng 12,21%, năm 2014 tăng 7,46%).
5. Về thu chi ngân sách nhà nước: đến ngày 15/10/2016, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 736,44 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán năm (cùng kỳ đạt 77,9% dự toán); tổng chi ngân sách nhà nước đạt 72,6% dự toán.
6. Về đầu tư phát triển: tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 10 tháng đầu năm ước đạt 17,61 tỷ USD. Có 2.061 dự án cấp mới, 967 lượt dự án tăng vốn. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong 10 tháng đầu năm giải ngân đạt 3,07 tỷ USD.
7. Về các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động việc làm, an sinh xã hội, y tế, văn hóa, thể thao và các lĩnh vực khác.
- Về khoa học và công nghệ: trong tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ". Đến nay, cơ bản các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong cả nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định.
- Về lao động, việc làm, an sinh xã hội: trong 10 tháng đầu năm, có khoảng 1,345 triệu lao động được giải quyết việc làm, trong đó: tạo việc làm trong nước cho 1,247 triệu lao động, đạt 83,1% kế hoạch.
Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm. Trung tuần tháng 10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa với cường độ rất mạnh, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân vùng ngập lũ, nhất là tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh hết sức khó khăn. Tổng giá trị thiệt hại do đợt lũ lụt vừa qua tại các tỉnh miền Trung ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện kịp thời công tác cứu trợ và hỗ trợ người dân, đẩy mạnh các giải pháp phòng tránh, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu qua do thiên tai; trích 260 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để hỗ trợ 12 địa phương thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cấp 1.500 tấn gạo để cứu trợ khẩn cấp các hộ dân có nguy cơ thiếu đói tại vùng ngập lũ.
- Về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xử lý các vấn đề trọng điểm về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, tác động tiêu cực của các công trình đập thủy điện, lở bờ biển, hậu quả của sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thanh Huyền / baodautu