Dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế càng trở nên rõ nét hơn, qua các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm.
Sản xuất tại Công ty NMS Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng Văn II, Hà Nam). Ảnh: Đ.T
Ấn tượng với các mức tăng trưởng hai con số
Rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy các mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, cũng dễ hiểu vì sao có mức tăng cao đến vậy, bởi tháng 4/2020 là thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu… đều lao dốc. Còn năm nay, xu hướng hồi phục của nền kinh tế đang rõ nét hơn.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 ước tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Covid-19 được kiểm soát tốt, cộng thêm việc các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh đã sôi động trở lại.
Thậm chí, tính chung 4 tháng, IIP cũng có mức tăng ấn tượng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến - chế tạo tăng 12,7%, cao hơn mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Sản xuất công nghiệp tăng, nên xuất nhập khẩu cũng tăng mạnh. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Không chỉ là sản xuất công nghiệp hay xuất nhập khẩu, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Chẳng hạn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10% so với cùng kỳ, nếu trừ yếu tố giá cả thì cũng vẫn tăng 9,03%. Tiêu dùng trong nước được cải thiện sẽ là động lực cho sản xuất - kinh doanh.
Trong khi đó, tháng 4 cũng đã ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, với 14.900 doanh nghiệp và 179.900 tỷ đồng, tăng 33,1% về số doanh nghiệp và tăng 59,1% về vốn đăng ký. Tính chung 4 tháng, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 627.700 tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp và tăng 41% về vốn đăng ký. Chưa kể, có gần 19.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy, sau thành công của việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã tăng lên.
“Đây là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới”, Tổng cục Thống kê nhận xét.
Thêm nữa, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4/2021 cũng tích cực, ước đạt 30.400 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số của 4 tháng là 98.700 tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn lo con đường phía trước
Nếu chỉ căn cứ vào các con số thống kê, có thể thấy khá rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, nên dự báo kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn trong quý II. Ngày 28/4, khi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của khu vực châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng có những đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam.
Theo đó, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,7% trong năm nay, bất chấp sự bùng phát trở lại của Covid-19 ở các quốc gia lân cận. Con số được dự báo cho năm 2022 là 7,0%.
Cũng theo nhận định của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến - chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng thương mại. Hơn thế nữa, đà tăng trưởng còn được dự báo sẽ tiếp tục nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển.
“Sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến ở Trung Quốc và Mỹ sẽ cải thiện đáng kể triển vọng thương mại và tăng trưởng của Việt Nam”, ông Andrew Jeffries nhận định.
Rõ ràng, những nhận định này của ADB là phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt sau khi các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm được công bố. Song chính ADB cũng bày tỏ mối quan ngại về những “rủi ro đáng kể” mà Việt Nam phải đối mặt, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus corona mới và sự chậm trễ trong các chương trình vắc-xin của Chính phủ.
Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu có bất kỳ rủi ro nào xảy ra, thì tiến trình hồi phục của kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.
Hơn nữa, các chỉ số kinh tế vĩ mô dù tích cực, song không phải là không có những vấn đề đáng lưu tâm, như xuất khẩu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. 4 tháng qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất khẩu 78,14 tỷ USD (bao gồm dầu thô), tăng 34,4% và chiếm tới 75,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Một con số đáng chú ý khác là cả xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 4 đều giảm so với tháng trước. Xuất khẩu tháng 4/2021 đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước. Và dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, nhưng số lượng doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường cũng tăng đáng kể. Trong 4 tháng, có tới 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Rõ ràng, khó khăn vẫn còn rất lớn.
Liên quan vấn đề này, trong cuộc làm việc cách đây hai ngày với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo việc Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng còn gặp khó khăn bởi Covid-19 và các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trình Chính phủ trong tháng 5/2021.
Xuất khẩu tháng 4 ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính chung 4 tháng, đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy, cán cân thương mại thặng dư 1,29 tỷ USD, một con số tích cực. |