Việt Nam mạnh về xuất khẩu, song theo các chuyên gia kinh tế, tài chính, về lâu dài, nền tảng này chưa thể phát huy hết nội lực. Vì vậy, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng, cần xem kinh tế tiêu dùng như một bàn đạp góp phần thúc đẩy GDP.
Phát biểu tại Hội nghị về kinh tế tiêu dùng diễn ra sáng qua (20/10) tại TP.HCM, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế (GDP) năm nay có thể đạt 5,9%. Tuy đầu tư không hề sụt giảm mà sự sụt giảm có thể nhìn thấy rõ đó chính là kinh tế tiêu dùng. Bởi kinh tế tiêu dùng đã đóng góp phần lớn trong tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt khoảng 6% thì có đến 4,4%, thậm chí là 5%, được đóng góp từ kinh tế tiêu dùng. Ông Thành nhận định, tiêu dùng của Việt Nam không chỉ đến từ sản xuất trong nước, mà còn đến từ đầu tư tiêu dùng của nước ngoài. Tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình trong GDP Việt Nam giảm đi theo thời gian, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Đến nay, tiêu dùng của Việt Nam chiếm đến 65% của GDP. Trên thực tế, không chỉ với Việt Nam luôn có sự đóng góp lớn nhất từ tiêu dùng của người dân vào GDP, mà ngay cả các quốc gia lớn trên thế giới, đã có nền kinh tế phát triển mạnh như: Mỹ, Trung Quốc cũng luôn có tỷ lệ tiêu dùng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo ông Thành, nếu muốn kinh tế tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, đòi hỏi trước hết là phải làm thế nào để tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiêu dùng từ mức 4,4% hiện nay phải đạt được mức 5,5%. Động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng trong ngắn hạn đó chính là giá cả hàng hóa giảm và về dài hạn chính là xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu tín dụng tiêu dùng trong nước đang từng bước gia tăng.
Thực tế, tín dụng của ngân hàng hiện nay tăng nhiều nhất là tín dụng tiêu dùng và tín dụng bất động sản, hay còn gọi là tín dụng phi sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những biện pháp để kiểm soát tín dụng bất động sản, nên tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vào lĩnh vực này cũng có phần hạn chế. Nhưng nhìn chung, dư nợ tín dụng tiêu dùng đều chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng các ngân hàng. Tỷ trọng tăng trưởng tín dụng bình quân của ngành ngân hàng năm nay ở mức khoảng 19%, trong đó tín dụng tiêu dùng và bất động sản chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, châu Á vẫn là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu. Tỷ lệ dịch vụ và tiêu dùng ngày càng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của các nước. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, hiện không còn tập trung vào ngành đầu tư mà chú trọng nhiều vào tiêu dùng. Quá trình tái cân bằng ở Trung Quốc hiện nay có thể sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia xuất khẩu hàng tiêu dùng. Mặt khác, việc Trung Quốc chuyển sang sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn có thể đem lại những lợi ích toàn cầu và khu vực cho Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã chuyển nhanh sang hàng hóa trung gian và thành phẩm. Hiện xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang gia tăng. Vì vậy, theo ông Jonathan Dunn, để kinh tế tăng trưởng thì không chỉ các nước mà Việt Nam cũng cần đẩy mạnh kinh tế tiêu dùng hơn nữa trong thời gian tới.
Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang dần gia tăng và người tiêu dùng đô thị luôn đứng đầu trong vấn đề lạc quan, trên 90% người dân khi được hỏi đã tỏ ra khá lạc quan với tình hình kinh tế cũng như đời sống sẽ được cải thiện… các chuyên gia cho rằng, đây chính là nền tảng đế phát triển kinh tế tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tiêu dùng chỉ bền vững khi được hỗ trợ bởi năng suất lao động, chất lượng thể chế và quản trị nhà nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì thế, chất lượng của hàng hóa tiêu dùng cũng như chất lượng của môi trường sống… là những yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế tiêu dùng.
Thùy Vinh / baodautu